Bạn cần hỗ trợ thông tin gì?
Biên an toàn trong chứng khoán là gì?
Biên an toàn là nguyên tắc đầu tư chỉ mua một cổ phiếu khi giá thị trường của cổ phiếu đó thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại mà nhà đầu tư đã tính toán. Biên an toàn sẽ là mức chênh lệch giữa 2 giá trị này. Khoảng cách này đóng vai trò như một “lớp đệm” giúp giảm thiểu rủi ro nếu thị trường diễn biến không như mong đợi hoặc nếu có sai sót trong việc định giá.
Biên an toàn được nhà đầu tư Benjamin Graham, cha đẻ của đầu tư giá trị phát triển. Ông nhấn mạnh rằng giá cổ phiếu luôn biến động và có thể tăng hoặc giảm ngoài dự đoán. Để bảo vệ vốn, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu ở mức giá thấp hơn giá trị thực nhằm hạn chế tối đa tổn thất khi thị trường không thuận lợi.
Giả sử bạn đang nghiên cứu cổ phiếu của công ty A và sau khi phân tích các yếu tố tài chính, bạn ước tính giá trị nội tại của cổ phiếu A là 200.000 đồng. Để giảm thiểu rủi ro, bạn quyết định áp dụng biên an toàn 25%. Điều này có nghĩa là bạn chỉ mua cổ phiếu khi giá thị trường thấp hơn giá trị nội tại ít nhất 25%.
Giá bạn sẵn sàng mua: 200.000 đồng – (200.000 đồng x 25%) = 150.000 đồng
Bạn sẽ chỉ mua cổ phiếu A khi giá thị trường của cổ phiếu này xuống dưới 150.000 đồng. Nếu giá thị trường cao hơn mức này, bạn sẽ không mua vì không đủ biên an toàn mà bạn mong muốn.
Nắm vững nguyên tắc đầu tư an toàn để giao dịch hiệu quả
Ý nghĩa và lợi ích của biên an toàn
Biên an toàn không đảm bảo 100% cho sự thành công, nhưng nó giúp:
- Giảm thiểu rủi ro: Nếu có sai sót trong định giá, biên an toàn sẽ giúp hạn chế tổn thất.
- Bảo vệ vốn: Đầu tư khi giá thấp hơn giá trị thực là cách tốt nhất để đảm bảo vốn không bị hao hụt nhiều.
- Tăng cơ hội sinh lời: Khi giá cổ phiếu tăng về đúng giá trị nội tại hoặc vượt qua giá trị này, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận cao hơn.
Cách xác định biên an toàn
Biên an toàn được xác định bằng cách so sánh giá trị nội tại của cổ phiếu và giá thị trường.
- Tính giá trị nội tại:
Giá trị nội tại là giá trị thực của một cổ phiếu, được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như:- Tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận).
- Tỷ lệ P/B (giá/giá trị sổ sách).
- Phân tích dòng tiền chiết khấu (DCF).
- Giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp.
Việc định giá có thể khác nhau giữa các nhà đầu tư do sử dụng các phương pháp và dữ liệu khác nhau.
- Chọn mức biên an toàn:
Việc xác định biên an toàn phụ thuộc vào khả năng phân tích, dự đoán và mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư. Có người cảm thấy mức giảm giá 20% so với giá trị thực là đủ an toàn, trong khi người khác lại cho rằng cần ít nhất 30% mới đáp ứng được yêu cầu. Còn đối với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, ông đã từng áp dụng mức giảm giá lên đến 50% để đảm bảo biên an toàn của mình.
Mức chiết khấu phổ biến thường được nhiều nhà đầu tư áp dụng là từ 20% đến 50% so với giá trị nội tại. Ví dụ: Nếu giá trị nội tại của một cổ phiếu là 100.000 đồng, nhà đầu tư có thể đặt mục tiêu mua ở mức giá từ 50.000 đến 80.000 đồng.
Chọn mức biên an toàn để giới hạn mức độ rủi ro trong đầu tư
Ai nên sử dụng biên an toàn?
Biên an toàn phù hợp nhất với các nhà đầu tư giá trị và nhà đầu tư chứng khoán dài hạn. Những nhà đầu tư này thường có tầm nhìn dài hơi, kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng về đúng giá trị nội tại trong một khoảng thời gian (thường tính bằng năm).
Ngược lại, với các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đầu tư lướt sóng, biên an toàn không phải là yếu tố quan trọng. Đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn sẽ thường ra quyết định dựa trên xu hướng thị trường, tin tức hoặc các yếu tố tâm lý thay vì giá trị thực của doanh nghiệp.
Hạn chế của biên an toàn
Mặc dù rất hữu ích, biên an toàn cũng có một số hạn chế:
- Khó xác định giá trị nội tại: Định giá nội tại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đôi khi mang tính chủ quan, dễ dẫn đến sai sót.
- Không phù hợp với thị trường biến động mạnh: Trong một số trường hợp, giá cổ phiếu có thể không bao giờ giảm xuống mức kỳ vọng để mua vào.
Dù vậy, biên an toàn vẫn là công cụ đắc lực, đặc biệt trong việc bảo vệ vốn và gia tăng lợi nhuận bền vững. Biên an toàn là nguyên tắc không thể thiếu trong chiến lược đầu tư giá trị. Nó giúp nhà đầu tư quản trị rủi ro tốt hơn, bảo vệ vốn và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn. Dù không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro, nhưng việc áp dụng biên an toàn đúng cách sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn trước những biến động của thị trường.