Sản phẩm phái sinh là gì? Phân loại và vai trò trong đầu tư tài chính
Phái sinh là những sản phẩm tài chính đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư. Trong bài viết này, cùng KIS Việt Nam tìm hiểu về sản phẩm phái sinh, phân loại, cũng như vai trò và rủi ro khi tham gia giao dịch loại hình này.
Sản phẩm phái sinh là gì?
Sản phẩm phái sinh là các sản phẩm tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá trị của một hoặc nhiều loại tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở có thể là cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, ngoại hối, hàng hóa hoặc chỉ số chứng khoán. Các sản phẩm tài chính phái sinh được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như đầu cơ, quản lý rủi ro tài chính, bảo vệ lợi nhuận và tối ưu hóa danh mục đầu tư.
Phái sinh là một trong những kênh đầu tư tài chính hiệu quả
Điểm đặc biệt của các sản phẩm này là không mang giá trị nội tại mà chỉ có giá trị khi liên kết với một tài sản cơ sở. Vì vậy, giá trị của chúng thay đổi theo sự biến động của tài sản cơ sở. Ví dụ, giá trị của một hợp đồng phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán sẽ thay đổi khi chỉ số này tăng hoặc giảm.
Các loại sản phẩm phái sinh phổ biến
Có 04 loại sản phẩm tài chính phái sinh phổ biến, gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi và hợp đồng kỳ hạn. Mỗi loại sẽ có những đặc điểm riêng, được thiết kế để phục vụ cho nhiều mục đích đầu tư khác nhau. Nắm vững các loại sản phẩm phái sinh này giúp nhà đầu tư xây dựng chiến lược quản lý tài chính hiệu quả hơn và tăng cường lợi nhuận trong đầu tư.
Hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận giữa hai bên, cho phép mua hoặc bán một tài sản cơ sở tại một thời điểm trong tương lai với mức giá đã được xác định khi tham gia hợp đồng. Hợp đồng tương lai giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro về biến động giá, có thể sử dụng để đầu cơ hoặc bảo hiểm giá. Đặc điểm của hợp đồng tương lai là chúng được giao dịch trên sàn giao dịch chính thức và được chuẩn hóa về khối lượng, thời hạn cũng như các điều khoản hợp đồng.
Ví dụ: Hợp đồng tương lai dầu thô cho phép nhà đầu tư mua một lượng dầu thô xác định vào một ngày cụ thể trong tương lai với mức giá thỏa thuận ở thời điểm hiện tại. Khi giá dầu thô tăng, nhà đầu tư sẽ mua giá như đã thoả thuận từ trước và có thể kiếm lợi từ sự chênh lệch giá này. Ngược lại, nếu giá dầu thô giảm, nhà đầu tư có thể chịu thua lỗ vì phải mua với giá cao hơn giá thị trường.
Hiện tại Việt Nam mới chỉ có 2 loại hợp đồng tương lai được áp dụng đó là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
Hợp đồng quyền chọn
Hợp đồng quyền chọn là sản phẩm phái sinh cho phép người mua có quyền mua hoặc bán (nhưng không bắt buộc) một tài sản cơ sở vào một thời điểm ở trong tương lai với mức giá đã được thống nhất trước đó. Có hai loại quyền chọn chính:
Quyền chọn mua (Call Option): Cho phép người mua có quyền mua tài sản cơ sở ở mức giá xác định.
Quyền chọn bán (Put Option): Cho phép người mua có quyền bán tài sản cơ sở ở mức giá xác định.
Hợp đồng quyền chọn là một trong những sản phẩm phổ biến
Ví dụ: Một nhà đầu tư mua quyền chọn mua cổ phiếu với mức giá 100.000VND/cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu tăng lên 120.000VND, nhà đầu tư có thể thực hiện quyền mua và bán ngay để hưởng chênh lệch 20.000VND/cổ phiếu. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu không tăng hoặc giảm xuống dưới 100.000VND, nhà đầu tư có thể quyết định không thực hiện quyền mua mà chỉ mất phí quyền chọn mua hợp đồng (option premium).
Hợp đồng hoán đổi
Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên nhằm hoán đổi các dòng tiền hoặc tài sản với nhau theo điều khoản đã được xác định trước. Hợp đồng hoán đổi thường được sử dụng để hoán đổi lãi suất, tiền tệ hoặc dòng tiền từ các công cụ tài chính khác.
Ví dụ: Hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swap) cho phép hai bên trao đổi dòng tiền lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Điều này giúp các bên giảm thiểu rủi ro lãi suất khi lãi suất thị trường biến động.
Hợp đồng kỳ hạn
Hợp đồng kỳ hạn là một thỏa thuận giữa hai bên để mua hoặc bán một tài sản cơ sở tại một thời điểm xác định trong tương lai với mức giá đã được ấn định trước. Hợp đồng kỳ hạn tương tự như hợp đồng tương lai, nhưng chúng được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) và không được chuẩn hóa. Do đó, hợp đồng kỳ hạn linh hoạt hơn về khối lượng và thời hạn, cho phép các bên tự thiết lập các điều khoản phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ. Tuy nhiên, hợp đồng kỳ hạn mang rủi ro đối tác cao hơn do không có sàn giao dịch chính thức làm trung gian, điều này có thể dẫn đến nguy cơ không thực hiện hợp đồng từ một trong hai bên.
Ví dụ: Một công ty có thể ký hợp đồng kỳ hạn để mua ngoại tệ với một mức giá cố định trong tương lai nhằm bảo vệ bản thân khỏi rủi ro biến động tỷ giá. Chẳng hạn, nếu công ty này cần mua 1 triệu USD trong 6 tháng tới và hiện tại tỷ giá là 24.000 VND/USD, họ có thể ký hợp đồng kỳ hạn với mức giá này. Nếu trong 6 tháng, tỷ giá tăng lên 25.000 VND/USD, công ty sẽ vẫn mua USD với mức giá 24.000 VND/USD như đã thỏa thuận, giúp họ tiết kiệm chi phí.
>>> Xem ngay: Chứng khoán phái sinh là gì? Ưu và nhược điểm khi đầu tư phái sinh
Phân loại sản phẩm phái sinh theo tài sản cơ sở
Các sản phẩm phái sinh được phân loại dựa trên loại tài sản cơ sở mà chúng phản ánh. Phổ biến nhất là phái sinh lãi suất, phái sinh ngoại hối, phái sinh hàng hóa, và phái sinh chỉ số. Các nhà đầu tư có thể chọn từng loại hợp đồng phái sinh để thực hiện các quyền lợi hoặc chiến lược đầu tư liên quan đến từng loại tài sản cơ sở.
Sản phẩm phái sinh lãi suất
Phái sinh lãi suất có giá trị phụ thuộc biến động lãi suất
Phái sinh lãi suất (Interest Rate Derivatives) là các công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào sự biến động của lãi suất. Các công cụ này cho phép các nhà đầu tư và doanh nghiệp quản lý rủi ro liên quan đến sự thay đổi lãi suất trong tương lai hoặc thu được lợi nhuận từ những biến động này.
Sản phẩm phái sinh ngoại hối
Phái sinh ngoại hối (Foreign Exchange Derivatives) là các công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền khác nhau. Các sản phẩm phái sinh này cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư bảo vệ mình trước những rủi ro về biến động tỷ giá hoặc kiếm lợi nhuận từ những biến động đó. Phái sinh ngoại hối thường được sử dụng trong các giao dịch quốc tế để giảm thiểu rủi ro về biến động tỷ giá khi thanh toán bằng ngoại tệ.
Sản phẩm phái sinh hàng hóa
Phái sinh hàng hóa (Commodity Derivatives) là các công cụ tài chính dựa trên giá trị của các hàng hóa cơ sở như dầu mỏ, vàng, nông sản, kim loại, hoặc năng lượng. Chúng được sử dụng để bảo vệ người tham gia khỏi rủi ro biến động giá hàng hóa trên thị trường hoặc để kiếm lợi nhuận từ những thay đổi của giá cả. Phái sinh hàng hóa có vai trò quan trọng trong việc ổn định giá và quản lý rủi ro cho các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, mua bán hàng hóa.
Sản phẩm phái sinh chỉ số
Phái sinh chỉ số (Index Derivatives) là các công cụ tài chính có giá trị dựa trên sự biến động của chỉ số chứng khoán hoặc chỉ số thị trường. Thay vì giao dịch một cổ phiếu hoặc tài sản riêng lẻ, phái sinh chỉ số cho phép nhà đầu tư giao dịch dựa trên toàn bộ một rổ cổ phiếu, đại diện cho hiệu suất của một thị trường hoặc ngành cụ thể. Các sản phẩm này giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro hoặc tận dụng cơ hội từ biến động của thị trường chứng khoán mà không cần mua bán từng cổ phiếu riêng lẻ.
>>> Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn cách giao dịch chứng khoán phái sinh cho người mới bắt đầu
Chức năng và vai trò của sản phẩm phái sinh
Phái sinh đã và đang trở thành công cụ không thể thiếu trong thị trường tài chính sôi động như hiện nay. Dưới đây là những lý do để nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dòng sản phẩm tài chính này và đưa chúng vào danh mục đầu tư.
Phái sinh có vai trò lớn trong thị trường tài chính
Quản lý rủi ro tài chính
Như thông tin đã chia sẻ và những ví dụ đã đưa ra ở trên, sản phẩm phái sinh cho phép các doanh nghiệp và nhà đầu tư phòng tránh rủi ro từ biến động giá cả, lãi suất, tỷ giá và các yếu tố tài chính khác. Đây là công cụ giúp ổn định dòng tiền và bảo vệ lợi nhuận.
Cơ hội đầu tư và tạo lợi nhuận
Nhờ vào tính đòn bẩy, các hợp đồng phái sinh có thể giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận bằng cách đầu cơ vào sự biến động của thị trường. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là rủi ro cao mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Thúc đẩy thanh khoản cho thị trường tài chính
Sự tồn tại của các sản phẩm phái sinh giúp gia tăng khối lượng giao dịch và tính thanh khoản cho các thị trường tài chính. Các sản phẩm này tạo điều kiện cho các giao dịch lớn được thực hiện nhanh chóng mà không ảnh hưởng nhiều đến giá thị trường.
>>> Xem thêm: Lý do nên lựa chọn đầu tư hàng hóa phái sinh?
Rủi ro khi tham gia vào phái sinh
Mặc dù các hợp đồng phái sinh mang đến những cơ hội sinh lời hấp dẫn và là công cụ hữu hiệu để quản lý rủi ro tài chính, nhưng tham gia vào giao dịch phái sinh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các nhà đầu tư cần hiểu rõ và cân nhắc các rủi ro dưới đây để đưa ra quyết định phù hợp.
Rủi ro thị trường
Rủi ro thị trường là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến giao dịch phái sinh. Khi giá trị của tài sản cơ sở (cổ phiếu, hàng hóa, lãi suất, v.v.) biến động mạnh, nó sẽ tác động trực tiếp đến giá trị của các sản phẩm phái sinh liên quan. Những biến động bất ngờ và khó lường này có thể dẫn đến các khoản thua lỗ lớn nếu nhà đầu tư không dự đoán chính xác xu hướng thị trường hoặc không có kế hoạch phòng tránh rủi ro hiệu quả.
Cần lưu ý những rủi ro khi tham gia thị trường phái sinh
Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản xảy ra khi thị trường thiếu tính thanh khoản, nghĩa là có ít người mua hoặc bán các hợp đồng phái sinh. Điều này khiến cho việc thực hiện các giao dịch trở nên khó khăn, nhà đầu tư có thể gặp phải tình trạng không thể mua hoặc bán tài sản theo mức giá mong muốn. Trong một số trường hợp, chi phí giao dịch có thể tăng lên đáng kể do sự khan hiếm của các bên giao dịch, từ đó làm giảm khả năng thu được lợi nhuận hoặc tăng thiệt hại. Việc rút khỏi vị thế cũng trở nên phức tạp hơn trong những thị trường kém thanh khoản.
Rủi ro đối tác
Rủi ro đối tác là nguy cơ một trong hai bên tham gia hợp đồng phái sinh không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận. Điều này thường gặp ở các sản phẩm phái sinh giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC), nơi không có cơ chế bảo đảm như các sàn giao dịch tập trung. Ví dụ, trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hoán đổi, nếu đối tác không đủ khả năng tài chính hoặc gặp khó khăn trong việc thanh toán, bên còn lại sẽ phải gánh chịu tổn thất. Rủi ro này đặc biệt đáng chú ý khi thị trường biến động hoặc có khủng hoảng tài chính, làm gia tăng tỷ lệ vỡ nợ của các bên liên quan.
Như vậy, sản phẩm phái sinh đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, mang lại cơ hội cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận. Nhưng nhà đầu tư cần nắm vững kiến thức và kỹ năng để khai thác hiệu quả các cơ hội từ công cụ phái sinh. Nếu cần tìm hiểu thêm về thị trường chứng khoán và các sản phẩm khác, nhà đầu tư có thể truy cập vào stockkisvn.vn. Hoặc liên hệ với Bộ phận Chăm sóc Khách hàng của Chứng khoán KIS Việt Nam qua Hotline (028) 3914 8585.