Lịch sử giá cổ phiếu FPT – Mã cổ phiếu “hot” của ngành công nghệ
Lịch sử giá cổ phiếu FPT ghi nhận những thay đổi ngoạn mục từ khi FPT lên sàn chứng khoán vào năm 2006 đến nay. Cổ phiếu FPT đã phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của một tập đoàn đầu ngành công nghệ, cũng như là top 5 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam.
Quá trình phát triển Công ty Cổ phần FPT
Công ty Cổ phần FPT được thành lập năm 1988, là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động chính của FPT gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục. Với tầm ảnh hưởng và sự phát triển nhanh chóng, FPT không chỉ nổi bật tại Việt Nam mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế.
FPT đã ghi dấu ấn với nhiều cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển. Năm 1997, FPT đặt chân vào lĩnh vực Internet, tạo nền móng cho sự phát triển đột phá của công nghệ Việt Nam. Đến năm 1999, FPT mở rộng ra thị trường quốc tế với chiến lược xuất khẩu phần mềm. Năm 2006 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử giá cổ phiếu FPT khi tập đoàn chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
FPT là một trong những “ông lớn” ngành công nghệ
Cũng trong năm 2006, FPT thành lập Đại học FPT, góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Những năm sau đó, FPT tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ, thực hiện các thương vụ M&A, chinh phục thị trường quốc tế và tiên phong trong ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Tất cả đã đưa FPT trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Tất cả đã làm nên một FPT vững mạnh và có vị thế hàng đầu trong ngành công nghệ như hiện nay.
Lịch sử giá cổ phiếu FPT qua các giai đoạn
Lịch sử giá cổ phiếu FPT đã trải qua nhiều giai đoạn thịnh, suy, phục hồi và bứt phá. Nhưng quan trọng, đến thời điểm hiện tại, FPT vẫn là cổ phiếu công nghệ được nhà đầu tư quan tâm nhờ tiềm năng ngành công nghệ thông tin, tính ổn định và khả năng sinh lời dài hạn.
Giai đoạn niêm yết và đỉnh cao ban đầu (2006 – 2007)
Trước khi niêm yết, FPT giao dịch OTC quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng đến ngày 13/12/2006, khi chính thức lên sàn chứng khoán HOSE, giá cổ phiếu tạo nên cơn sốt, kết phiên giao dịch đầu tiên với giá 400.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Cuối năm 2006, cổ phiếu tiếp tục tăng lên 460.000 đồng, trong bối cảnh VNIndex đạt mức 751 điểm. Đến ngày 27/02/2007, giá cổ phiếu đạt đỉnh 665.000 đồng/cổ phiếu, song song với việc VNIndex vượt mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, cuối năm 2007, sau pha loãng cổ phiếu, giá giảm mạnh xuống còn 223.000 đồng. Như vậy, có thể thấy lịch sử giá cổ phiếu FPT trong giai đoạn mới niêm yết có những biến động rất mạnh mẽ.
Giai đoạn khủng hoảng và giảm mạnh (2008 – 2009)
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, cũng là thời điểm chứng kiến lịch sử giá cổ phiếu FPT giảm sâu. Chỉ còn 55.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 6, mất khoảng 90% giá trị so với đỉnh năm 2007. Trong giai đoạn này, FPT đối mặt với nhiều thách thức khi cố gắng tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, tham gia vào nhiều ngành nghề nhưng thiếu trọng tâm. Đến năm 2009, giá cổ phiếu hồi phục, đạt đỉnh 91.500 đồng/cổ phiếu vào tháng 10, sau đó duy trì ổn định ở mức 80.000 – 85.000 đồng.
Giai đoạn tăng trưởng chậm và tái cấu trúc (2010 – 2016)
Năm 2010, FPT chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 3:1 và trả cổ tức, giá lúc này giảm từ 85.500 đồng xuống còn 64.000 đồng. Sau chia tách, cổ phiếu tăng trở lại, đạt đỉnh 76.500 đồng/cổ phiếu vào tháng 10/2010. Tuy nhiên, từ năm 2011, FPT bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm sau nhiều biến động nội bộ, với giá cổ phiếu dao động quanh mức 52.500 đồng/cổ phiếu. Trong những năm tiếp theo, công ty đối mặt với khó khăn từ lĩnh vực phân phối và bán lẻ, dẫn đến quyết định tái cấu trúc toàn diện để thay đổi lịch sử giá cổ phiếu FPT.
Giai đoạn chuyển mình sau tái cấu trúc (2017 – 2021)
Năm 2017, FPT thoái vốn khỏi hai mảng kinh doanh không phải chủ lực là FPT Retail và FPT Trading xuống dưới 50%, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục. Nhờ sự tăng trưởng từ xuất khẩu phần mềm và chiến lược chuyển đổi số, cổ phiếu FPT dần lấy lại đà tăng trưởng. Từ 2018 đến 2022, cổ phiếu tăng trưởng ổn định nhờ doanh thu và lợi nhuận tăng trung bình 15 – 20%/năm. Giữa năm 2022, lịch sử giá cổ phiếu FPT trở lại vị thế, mức giao dịch lúc này quanh 115.000 đồng/cổ phiếu. Với hiệu quả đạt được, trong giai đoạn này, FPT thường xuyên thực hiện chính sách chia cổ tức cho các cổ đông.
Giá cổ phiếu FPT trải qua nhiều thăng trầm nhưng nhìn chung xu hướng giá tăng
Giai đoạn tăng trưởng bứt phá (2023 – 2024)
Năm 2023, FPT ghi dấu mốc quan trọng khi doanh thu từ xuất khẩu phần mềm lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD. Sang năm 2024, giá cổ phiếu FPT tiếp tục tăng mạnh, đạt 109.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/2, với vốn hóa thị trường đạt 137.664 tỷ đồng (5,6 tỷ USD).
Trong 9 tháng đầu năm 2024, FPT đạt doanh thu 45.241 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế 8.111 tỷ đồng (tăng 20%), và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 5.762 tỷ đồng (tăng 21.5%). EPS đạt 3.945 đồng/ cổ phiếu, cho thấy tăng trưởng bền vững và triển vọng dài hạn của tập đoàn. Đến ngày 10/10/2024, cổ phiếu FPT lập đỉnh mới ở mức 141.700 đồng/cổ phiếu, vốn hóa đạt 206.945 tỷ đồng, mức cao nhất trong 18 năm niêm yết. Thanh khoản tăng mạnh với gần 10 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào hơn 30%, khẳng định sức hút của FPT đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
>>> Tìm hiểu thêm: Đánh giá cổ phiếu AAA: Tiềm năng đầu tư vào ngành nhựa xanh
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu FPT
Những yếu tố nội bộ và yếu tố bên ngoài đã làm nên những thay đổi trong lịch sử giá cổ phiếu FPT.
Yếu tố nội bộ
Giá cổ phiếu FPT chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của FPT liên tục tăng, đặc biệt ở các mảng công nghệ, viễn thông và xuất khẩu phần mềm. Năm 2023, doanh thu từ xuất khẩu phần mềm lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD, tương đương với con số 24.288 tỷ đồng, tăng 28%, đó là minh chứng cho sự bứt phá của FPT.
Chiến lược tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như công nghệ và giáo dục, đã đóng góp đáng kể vào hiệu quả tài chính của FPT. Xây dựng nội lực vững mạnh, FPT càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Tất cả tạo nên cơ sở để FPT hướng đến mục tiêu tăng doanh thu xuất khẩu phần mềm tại thị trường trọng điểm Nhật Bản lên 1 tỷ USD vào năm 2027. Đồng thời, đạt mục tiêu doanh thu xuất khẩu phần mềm 5 tỷ USD vào năm 2030 và tạo nên những dấu mốc mới cho lịch sử giá cổ phiếu FPT.
Chính sách cổ tức của FPT cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. FPT đã duy trì việc chia cổ tức đều đặn hàng năm, với tỷ lệ chia khá ổn định giữa tiền và cổ phiếu. Qua đó đã thu hút thêm vốn từ cổ đông hiện tại và những cổ đông mới. Có nguồn vốn vững mạnh để thực hiện những chiến lược kinh doanh và mở rộng đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Yếu tố bên ngoài
FPT cũng được hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ trên toàn cầu. Việc các cổ phiếu như Amazon và Apple đạt mức đỉnh đã lan tỏa tâm lý tích cực đến nhóm cổ phiếu công nghệ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số trong nước tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ như FPT, hỗ trợ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Ngoài công nghệ, FPT đầu tư và kinh doanh cả mảng giáo dục
Ngoài ra, sự biến động của kinh tế vĩ mô và tỷ giá cũng tác động đến lịch sử giá cổ phiếu FPT, đặc biệt trong mảng xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên, nhờ khả năng quản trị tốt, FPT đã duy trì được sự ổn định và tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư, khẳng định vị thế trong nhóm cổ phiếu blue-chip hàng đầu.
>>> Xem ngay: Những thông tin cần biết cho nhà đầu tư về cổ phiếu HPX
Hiệu suất đầu tư của cổ phiếu FPT năm 2024
Lịch sử giá cổ phiếu FPT qua các năm sẽ cho thấy được hiệu suất đầu tư vào cổ phiếu này. Thử làm một phép toán, nếu thời điểm đầu năm 2024, nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu FPT, thì đến hiện tại, hiệu suất đầu tư sẽ như thế nào? Lấy ví dụ, nhà đầu tư sở hữu 1.000 cổ phiếu với giá phiên đầu năm 02/01/2024 là 95.900 đồng/cổ phiếu, tổng đầu tư là 95.900.000 đồng. Kết phiên ngày 15/11/2024, giá cổ phiếu FPT đang là 133.900 đồng/cổ phiếu.
Trong khoảng thời gian này, FPT có hai đợt chia cổ tức:
- Đợt 1: Cổ tức tiền mặt 1.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 6. Như vậy, với 1.000 cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ có cổ tức 1.000.000 đồng.
- Đợt 2: Cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20:3 (chia 3 cổ phiếu cho mỗi 20 cổ phiếu hiện có). Sau đợt chia cổ tức này, số cổ phiếu của nhà đầu tăng lên thành 1.150 cổ phiếu.
Tổng giá trị cổ phiếu ở hiệu tại: 1.150 cổ phiếu x 133.900 đồng = 153.985.000 đồng
Tổng lợi nhuận từ đầu tư là: 153.985.000 đồng – 95.900.000 đồng + 1.000.0000 đồng (cổ tức tiền mặt) = 59.085.000 đồng.
Hiệu suất đầu tư trong năm 2024: (153.985.000 – 95.900.000 + 1.000.0000) : 95.900.000 x 100 = 61.61%
Như vậy, với 1.000 cổ phiếu sở hữu từ đầu năm, nhà đầu tư đã có lợi nhuận tăng 61.61%, một mức tăng trưởng ấn tượng để chốt lời. Đồng thời tiếp tục đánh giá triển vọng của cổ phiếu FPT và đưa ra chiến lược đầu tư hiệu quả.
Triển vọng đầu tư vào cổ phiếu FPT
Để đánh giá triển vọng cổ phiếu FPT, cần xem xét kết quả kinh doanh, lịch sử giá cổ phiếu FPT qua từng giai đoạn như đã nêu, cũng như là những yếu tố sẽ tác động đến giá cổ phiếu này.
Tình hình kinh doanh hiện tại và động lực tương lai
Đến thời điểm hiện tại, quý III/2024, FPT ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục với lãi ròng đạt 2.090 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. FPT cũng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2024 với doanh thu đạt 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% so với năm 2023,m. Và đến hiện tại đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 75% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
FPT shop là một trong những chuỗi cửa hàng điện tử lớn nhất Việt Nam
FPT còn hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số toàn cầu và nhu cầu cao về giải pháp công nghệ hiện đại. Công ty đang tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng quốc tế, nâng cao vị thế cạnh tranh và hứa hẹn lợi nhuận cao trong tương lai. Điều này sẽ thúc đẩy giá trị cổ phiếu trong bối cảnh thị trường công nghệ phát triển mạnh mẽ và làm nên những trang mới trong lịch sử giá cổ phiếu FPT.
>>> Xem ngay: Giá cổ phiếu BVB: Đánh giá chi tiết và vọng dài hạn
Một vài lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu FPT
Tuy nhiên, giá cổ phiếu FPT có thể chịu tác động bởi sự phát triển nhanh chóng của những công nghệ mới, tính cạnh tranh và nhu cầu thị trường. Song song đó, các yếu tố vĩ mô như lãi suất, lạm phát và chính sách kinh tế, có thể tạo ra biến động ngắn hạn. Tuy vậy, với nền tảng vững chắc và chiến lược phát triển dài hạn, FPT có khả năng vượt qua thách thức và duy trì tăng trưởng ổn định, đem lại giá trị hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Nhìn chung, lịch sử giá cổ phiếu FPT đã cho thấy một hành trình phát triển ấn tượng từ khi niêm yết đến nay, trải qua nhiều giai đoạn biến động nhưng vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng dài hạn. Với tiềm năng tăng trưởng của ngành công nghệ và sự chuẩn bị tốt của FPT, cổ phiếu này được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn trong tương lai. Đặc biệt với những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin khác tại stockkisvn.vn, hoặc liên hệ đến Hotline (028) 3914 8585 để được các Chuyên viên Khách hàng của Chứng khoán KIS tư vấn thêm.