10 câu hỏi kiểm tra IQ tài chính và kỹ năng quản lý tiền bạc

Bạn cần hỗ trợ thông tin gì?

10 câu hỏi kiểm tra IQ tài chính và kỹ năng quản lý tiền bạc

Trong lĩnh vực tài chính cá nhân, việc hiểu biết và khả năng đưa ra quyết định đúng đắn là điều quan trọng để đạt được sự ổn định và thành công lâu dài. Dưới đây là bài kiểm tra IQ tài chính bao gồm 10 câu hỏi lựa chọn giúp bạn kiểm tra khả năng quản lý tài chính của mình. Mỗi câu trả lời đúng được tính 10 điểm, bạn có thể kiểm tra mức độ thông minh tài chính của mình và xem xét khả năng cải thiện ở phần tổng kết.

Câu 1: Bạn nghĩ gì về rủi ro khi đầu tư vào các loại cổ phiếu khác nhau?

Câu hỏi:

Cổ phiếu A được phát hành bởi một công ty mới thành lập, trong khi cổ phiếu B là một mã blue-chip. Nhận định nào sau đây là đúng?

A. Cổ phiếu A có rủi ro cao hơn cổ phiếu B

B. Cổ phiếu B dự kiến mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cổ phiếu A

C. Cổ phiếu B đảm bảo lợi nhuận cố định, trong khi cổ phiếu A thì không

D. Cổ phiếu A sẽ giữ giá trị tốt hơn cổ phiếu B nếu lãi suất tăng

Trả lời:

Đáp án đúng là A. Cổ phiếu của công ty mới thành lập thường có rủi ro cao hơn do thiếu ổn định và tính cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, cổ phiếu blue-chip thuộc các công ty lớn, có lịch sử hoạt động lâu dài và ổn định, do đó ít rủi ro hơn.

Câu 2: Các tiêu chí nào cần cân nhắc khi đầu tư?

Câu hỏi:

Ba tiêu chí quan trọng nhất cần xem xét khi đầu tư là gì?

A. Quy mô, bảo hiểm, thuế

B. Đòn bẩy, ký quỹ, tín dụng

C. Thế chấp, quyền truy cập tài khoản, cổ tức

D. Thanh khoản, rủi ro, tỷ suất lợi nhuận

Trả lời:

Đáp án đúng là D. Khi đầu tư, yếu tố quan trọng là khả năng sinh lời (tỷ suất lợi nhuận), khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt (thanh khoản), và mức độ rủi ro. Tất cả đều cần được xem xét cẩn thận để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

Câu 3: Hiểu biết về lãi suất khi gửi tiết kiệm?

Câu hỏi:

Khi lãi suất tăng, điều gì xảy ra?

A. Người gửi tiết kiệm hưởng lợi ít hơn và người đi vay trả lãi ít hơn

B. Người gửi tiết kiệm hưởng lợi nhiều hơn và người đi vay trả lãi ít hơn

C. Người gửi tiết kiệm hưởng lợi nhiều hơn và người đi vay trả lãi nhiều hơn

D. Người gửi tiết kiệm hưởng lợi ít hơn và người đi vay trả lãi nhiều hơn

Trả lời:

Đáp án đúng là C. Khi lãi suất tăng, người gửi tiết kiệm nhận được lợi nhuận cao hơn trên số tiền gửi, những người đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn trên khoản vay của họ. Hiểu rõ ảnh hưởng của lãi suất sẽ giúp bạn đưa ra quyết định hợp lý về vay và gửi tiết kiệm.

Câu 4: Hiểu biết về lãi suất kép

Câu hỏi:

Lãi suất để lại trong tài khoản và tiếp tục sinh lãi gọi là gì?

A. Lãi suất kép

B. Lãi suất đặc biệt

C. Gia tăng vốn gốc

D. Gấp đôi lợi nhuận

Trả lời:

Đáp án đúng là A. Lãi suất kép là quá trình lãi suất được tính trên cả vốn gốc và lãi đã tích lũy từ các kỳ trước. Đây là một khái niệm quan trọng, giúp tối ưu hóa số tiền tiết kiệm theo thời gian và là một kỹ năng thiết yếu để xây dựng tài sản dài hạn.

Câu 5: Làm gì khi người có nguy cơ không trả nợ cao muốn vay tiền?

Câu hỏi:

Người cho vay sẽ làm gì nếu người có nguy cơ không trả nợ cao hơn mức trung bình muốn vay tiền?

A. Giảm điểm tín dụng của người đó

B. Nâng điểm tín dụng cho người đó

C. Tính lãi suất thấp hơn

D. Tính lãi suất cao hơn

Trả lời:

Đáp án đúng là D. Người có điểm tín dụng thấp thường bị tính lãi suất cao hơn vì nguy cơ vỡ nợ cao. Hiểu biết về điều này giúp bạn nhận thức được tầm quan trọng của điểm tín dụng trong việc quản lý nợ.

Câu 6: Loại hình đầu tư nào có rủi ro thanh khoản cao nhất?

Câu hỏi:

Rủi ro thanh khoản cao nhất thường gặp ở loại hình đầu tư nào?

A. Cổ phiếu riêng lẻ

B. Bất động sản

C. Quỹ tương hỗ

D. Tài khoản tiết kiệm

Trả lời:

Đáp án đúng là B. Bất động sản có rủi ro thanh khoản cao vì khó bán nhanh chóng khi cần tiền mặt. Khả năng thanh khoản là yếu tố quan trọng trong quản lý tài chính, đặc biệt khi có nhu cầu thanh khoản đột xuất.

Câu 7: Tại sao lãi suất vay thế chấp thấp hơn lãi suất thẻ tín dụng?

Câu hỏi:

Lãi suất vay thế chấp thường thấp hơn lãi suất thẻ tín dụng vì lý do nào?

A. Quy định nhà nước

B. Khoản vay lớn thường có lãi suất thấp hơn

C. Hầu hết người dân không đủ điều kiện vay thế chấp

D. Vay thế chấp có tài sản đảm bảo

Trả lời:

Đáp án đúng là D. Khoản vay thế chấp thường có tài sản đảm bảo như nhà cửa, nên rủi ro thấp hơn cho người cho vay, dẫn đến lãi suất thấp hơn so với các khoản vay tín dụng không có đảm bảo.

Câu 8: Ưu điểm của bảo hiểm xã hội bắt buộc

Câu hỏi:

Đâu là một ưu điểm của bảo hiểm xã hội bắt buộc?

A. Bảo hiểm xã hội có thể sinh lời cao

B. Người lao động có doanh nghiệp cùng đóng bảo hiểm xã hội

C. Mọi người đều nhận lương hưu tối đa

D. Có thể đóng góp số tiền không giới hạn

Trả lời:

Đáp án đúng là B. Trong hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, doanh nghiệp cũng đóng góp vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, giảm gánh nặng tài chính và bảo vệ tài chính dài hạn.

Câu 9: Mục đích chính của bảo hiểm nhân thọ

Câu hỏi:

Mục đích chính của bảo hiểm nhân thọ là gì?

A. Bảo vệ tài chính trước rủi ro sức khỏe, thân thể và tính mạng

B. Tích lũy cho tuổi hưu

C. Đầu tư sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm

D. Đầu tư sinh lời thấp hơn gửi tiết kiệm

Trả lời:

Đáp án đúng là A. Bảo hiểm nhân thọ chủ yếu nhằm bảo vệ tài chính trước các rủi ro bất ngờ. Đây không phải là công cụ đầu tư sinh lời mà là một phương tiện bảo vệ tài sản, giúp đảm bảo an ninh tài chính.

Câu 10: Chiến lược tiết kiệm tự động là gì?

Câu hỏi:

Bạn quyết định tiết kiệm 10% thu nhập mỗi tháng và thiết lập tự động chuyển khoản vào tài khoản tiết kiệm. Chiến lược này được gọi là gì?

A. Kế hoạch dự phòng

B. Sống vượt quá khả năng của mình

C. Phân tích giá trị tài sản ròng

D. Trả trước cho bản thân

Trả lời:

Đáp án đúng là D. “Trả trước cho bản thân” là một chiến lược tiết kiệm tự động giúp duy trì kỷ luật tài chính, xây dựng thói quen tiết kiệm và bảo vệ tài sản cho tương lai.

TỔNG KẾT

0-40 điểm: Bạn cần bổ sung kiến thức tài chính.

50-70 điểm: Bạn có kiến thức cơ bản nhưng cần nâng cao.

80-100 điểm: Bạn có kỹ năng tài chính tốt, tiếp tục học hỏi để tối ưu hơn.

to top