Tìm hiểu đồ thị chứng khoán: Công cụ quan trọng trong đầu tư tài chính
Đồ thị chứng khoán không chỉ là công cụ biểu thị giá cổ phiếu qua thời gian. Đây còn là “kim chỉ nam” quan trọng giúp nhà đầu tư phân tích, dự đoán xu hướng thị trường. Cùng KIS Việt Nam tìm hiểu các loại đồ thị phổ biến và ý nghĩa của chúng trong đầu tư.
Đồ thị chứng khoán là gì?
Đồ thị trong chứng khoán là công cụ trực quan thể hiện sự biến động giá cổ phiếu hay chỉ số chứng khoán theo thời gian. Nó cung cấp cái nhìn tổng quan về xu hướng thị trường, giúp nhà đầu tư phân tích và dự đoán diễn biến giá trong tương lai. Sử dụng các biểu đồ chứng khoán, nhà đầu tư có thể xác định các mẫu hình, xu hướng và các điểm mua bán hiệu quả. Từ đó đưa ra những chiến lược đầu tư để tối ưu hóa nguồn vốn của mình.
Các loại đồ thị nên biết
Thế giới đồ thị trong chứng khoán rất phong phú. Mỗi loại có cách thể hiện và ưu điểm riêng, phù hợp với các mục đích phân tích khác nhau. Dựa trên đó nhà đầu tư có thể phân tích và ra quyết định đầu tư hợp lý.
Biểu đồ đường (Line Chart)
Biểu đồ đường được xem là dạng đơn giản nhất trong số các loại đồ thị. Nó thể hiện giá đóng cửa của cổ phiếu qua các mốc thời gian bằng các điểm nối liền nhau.
Biểu đồ đường trong đầu tư chứng khoán
– Ưu điểm: Dễ hiểu và trực quan.
– Nhược điểm: Chỉ cung cấp thông tin về giá đóng cửa, không phản ánh được các dao động trong ngày.
Biểu đồ thanh (Bar Chart)
Biểu đồ thanh biểu thị giá mở cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất và giá đóng cửa của một cổ phiếu trong một phiên giao dịch. Mỗi cột đại diện cho một phiên giao dịch và chứa đủ bốn mức giá quan trọng trên.
– Ưu điểm: Cung cấp nhiều thông tin hơn về biến động giá trong ngày.
– Nhược điểm: Phức tạp hơn biểu đồ đường, cần có kỹ năng đọc hiểu.
Biểu đồ nến Nhật (Candlestick Chart)
Các biểu đồ nến trong chứng khoán rất đa dạng, nhưng gần gũi nhất là biểu đồ nến Nhật. Biểu đồ nến Nhật hiển thị các loại thông tin như biểu đồ thanh nhưng dưới dạng các cây nến. Mỗi cây nến biểu thị giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất và giá thấp nhất trong một phiên giao dịch. Thân nến sẽ thể hiện được sự chênh lệch giữa giá mở cửa và giá đóng cửa.
Biểu đồ nến Nhật trong đầu tư chứng khoán
– Ưu điểm: Dễ nhận diện các mẫu hình giá, cung cấp nhiều thông tin trực quan.
– Nhược điểm: Cần có thời gian học tập để hiểu và sử dụng thành thạo.
Các loại đồ thị chứng khoán khác
Ngoài ba loại đồ thị chính trên, còn có rất nhiều loại đồ thị khác. Ví dụ như:
– Biểu đồ Heikin Ashi: Đây là một biến thể của biểu đồ nến Nhật. Nó được thiết kế để làm mượt các dao động giá và giúp dễ dàng nhận diện xu hướng hơn. Heikin Ashi có nghĩa là “trung bình” trong tiếng Nhật. Và như tên gọi, nó sử dụng giá trung bình để tạo ra các nến, giúp giảm bớt sự nhiễu loạn trong dữ liệu giá.
– Biểu đồ Renko: Đây cũng là một trong số các biểu đồ nến trong chứng khoán. Renko là một loại biểu đồ trong phân tích kỹ thuật, xuất phát từ Nhật Bản. Biểu đồ này khác biệt so với các loại biểu đồ nến khác ở chỗ nó chỉ tập trung vào biến động giá và bỏ qua yếu tố thời gian.
Các loại biểu đồ chứng khoán trên thị trường
– Biểu đồ Kagi: Tương tự Renko, biểu đồ Kagi cũng là một công cụ phân tích kỹ thuật của Nhật Bản. Nó được thiết kế để tập trung vào các biến động giá đáng kể mà không phụ thuộc vào yếu tố thời gian. Biểu đồ này giúp các nhà đầu tư xác định các mức hỗ trợ và kháng cự, cũng như các điểm đảo chiều quan trọng.
Dựa trên các loại biểu đồ, nhà đầu tư có thể phân tích và ứng dụng trong đầu tư. Tại Việt Nam, nhiều chứng sĩ thường nghiên cứu và phân tích dựa trên biểu đồ FireAnt, biểu đồ VN-Index, hay biểu đồ phái sinh VN30. Cả 3 công cụ này đều có thể hiển thị dưới nhiều dạng khác nhau. Từ biểu đồ dạng nến, biểu đồ đường hay biểu đồ thanh, giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về xu hướng thị trường.
>>> Tham khảo: Cổ phần và cổ phiếu là gì? Sự khác nhau giữa cổ phần và cổ phiếu
Các thành phần chính của đồ thị chứng khoán
Các đồ thị sẽ bao gồm nhiều thành phần quan trọng mà dựa trên đó nhà đầu tư có thể phân tích và ra quyết định đầu tư hợp lý.
Trục thời gian (X-Axis) và trục giá (Y-Axis)
Trục ngang của đồ thị (X-axis) biểu thị thời gian. Thời gian có thể được hiển thị theo ngày, tuần, tháng, hoặc năm, tùy thuộc vào loại đồ thị và mục đích phân tích. Trục dọc của đồ thị (Y-axis) biểu thị giá cổ phiếu. Giá có thể được thể hiện dưới dạng giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất, và giá thấp nhất trong khoảng thời gian nhất định.
Các thành phần chính của đồ thị chứng khoán mà nhà đầu tư nên biết
Khối lượng giao dịch (Volume)
Đây là thành phần thể hiện số lượng cổ phiếu được giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định. Nó giúp xác định sức mạnh của xu hướng giá các cổ phiếu. Đồng thời, phản ánh sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các cổ phiếu trong các thời điểm.
Các điểm giá: Mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất
Các điểm giá cung cấp thông tin chi tiết về biến động giá trong mỗi phiên giao dịch. Giá mở cửa (Open) là giá cổ phiếu khi bắt đầu phiên giao dịch. Giá đóng cửa (Close) là giá cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch. Giá cao nhất (High) là giá cao nhất mà cổ phiếu đạt được trong phiên giao dịch. Giá thấp nhất (Low) là mức giá thấp nhất của cổ phiếu trong mỗi phiên giao dịch.
>>> Tìm hiểu thêm: Những loại phí và thuế giao dịch chứng khoán mà nhà đầu tư cần biết
Đường trung bình động (Moving Average)
Moving Average (MA) là đường biểu diễn giá trung bình của cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định. Nó được dùng để phân tích kỹ thuật, nhận diện xu hướng và các mức hỗ trợ, kháng cự. Ví dụ thường thấy như MA20 là chỉ báo để đo lường mức giá trung bình trong 20 ngày. Hay MA50 để đo lường mức giá trung bình trong 50 ngày giao dịch gần nhất.
Đồ thị chứng khoán là công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư theo dõi biến động giá, nhận biết xu hướng và xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả. Nắm vững các loại đồ thị và thành phần chính của chúng sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn về thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư cần tìm hiểu thêm thông tin có thể truy cập vào stockkisvn.vn hoặc liên hệ đến Chuyên viên chăm sóc khách hàng theo Hotline (028) 3914 8585.