Cổ phiếu VPB: Tiềm năng, rủi ro và xu hướng đầu tư năm 2025
Sau những phiên giao dịch biến động bởi tác động từ chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là các biện pháp thuế quan đối ứng từ Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần phục hồi. Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ được sức hút nhờ nền tảng cơ bản vững chắc. Ở bài viết này, hãy cùng Chứng khoán KIS phân tích toàn diện cổ phiếu VPB (VPBank) – một ngân hàng đang có nhiều điểm sáng nhờ chiến lược kinh doanh năng động, tăng trưởng lợi nhuận ổn định và tham vọng mở rộng khu vực.
Tổng quan về VPBank
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – Mã cổ phiếu VPB là một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/8/1993. Trải qua hơn ba thập kỷ phát triển, VPBank đã xây dựng mạng lưới khoảng 230 chi nhánh và phòng giao dịch, phục vụ hơn 3 triệu khách hàng cá nhân, gần 150.000 hộ kinh doanh cá thể và hơn 80.000 doanh nghiệp.
Chiến lược của VPBank tập trung vào hai phân khúc chính: khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, việc hợp tác chiến lược với Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – ngân hàng lớn thứ hai của Nhật Bản. Thông qua việc bán 15% cổ phần cho SMBC, trị giá khoảng 35.900 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD) đã giúp VPBank tăng cường năng lực tài chính và nâng cao năng lực quản trị rủi ro.
Với mục tiêu trở thành một trong ba ngân hàng lớn nhất Việt Nam và lọt vào Top 100 ngân hàng hàng đầu châu Á, VPBank đang hướng tới mục tiêu đạt lợi nhuận tỷ USD vào năm 2025. Sự kết hợp giữa chiến lược kinh doanh năng động, đầu tư vào công nghệ và hợp tác quốc tế là những yếu tố then chốt giúp VPBank củng cố vị thế trên thị trường tài chính ngân hàng.
Ngân hàng VPBank là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân lớn
Phân tích cơ bản cổ phiếu VPB
Cổ phiếu VPB đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhờ vào kết quả kinh doanh ổn định và triển vọng tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, cũng cần xem xét các yếu tố rủi ro như biến động lãi suất và các thách thức từ môi trường kinh tế vĩ mô để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn. Dưới đây là những phân tích cơ bản về cổ phiếu VPB.
Tình hình tài chính
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của VPBank đạt 923.847,6 tỷ đồng, tăng 106.281 tỷ đồng, tương đương khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 676.545,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 73,2% tổng tài sản, phản ánh chiến lược tập trung vào tín dụng tiêu dùng và SMEs.
Dư nợ cho vay khách hàng của VPBank ghi nhận mức tăng trưởng đều qua các năm. Cụ thể từ 345.390,3 tỷ đồng năm 2021 lên 424.662,4 tỷ đồng năm 2022 (tăng 22,95%), 551.472,1 tỷ đồng năm 2023 (tăng 29,85%) và đạt 676.545,6 tỷ đồng năm 2024 (tăng 22,69%). Dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 22%, nhưng so với mức tăng gần 30% của năm 2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đã giảm nhẹ, phản ánh phần nào ảnh hưởng từ môi trường vĩ mô và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của VPBank đạt 15.986,8 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 8.494,2 tỷ đồng của năm 2023, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn suy giảm. Mặc dù vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2022 (16.908,8 tỷ đồng), kết quả này được xem là tích cực trong bối cảnh ngành ngân hàng chịu nhiều sức ép từ áp lực nợ xấu và biên lãi ròng thu hẹp. Việc VPBank nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng đã phản ánh năng lực điều hành linh hoạt và nền tảng tài chính vững vàng, đây cũng là động lực để cổ phiếu VPB có thể “cất cánh”.
>>> Xem thêm: Phân tích báo cáo tài chính VCB và đánh giá triển vọng đầu tư
Tỷ lệ nợ xấu
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của VPBank là tỷ lệ nợ xấu (NPL) cuối năm 2024 ghi nhận ở mức 4,2%. Dù đã vượt quá ngưỡng 3%, nhưng tỷ lệ nợ xấu đã cải thiện hơn rất nhiều so với năm 2022 (5.73%) và 2023 (5.01%). Có thể thấy, VPBank đang chịu áp lực về chất lượng tín dụng, song vẫn chủ động kiểm soát rủi ro thông qua tăng trích lập dự phòng, xử lý nợ và nâng cao hiệu quả quản trị.
VPBank có chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc
Đáng ghi nhận, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo chuẩn Basel II của VPBank đạt 15,5%. Đây là mức cao nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam tính đến cuối năm 2024, vượt xa ngưỡng tối thiểu 8% theo quy định. Tỷ lệ này phản ánh nền tảng vốn vững chắc, giúp ngân hàng duy trì khả năng chống chịu tốt trước biến động thị trường và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.
Định giá cổ phiếu
Tính đến ngày 18/04/2025, giá cổ phiếu VPB đóng cửa ở mức 16.950 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh trong lịch sử giá cổ phiếu VPB vượt 40.000 đồng vào năm 2021. Hiện tại, chỉ số định giá của VPB như sau:
- P/E (hệ số giá/lợi nhuận): khoảng 8,52 lần.
- P/B (giá trị sổ sách): khoảng 0,98 lần.
Đây là mức định giá thấp hơn so với thời kỳ đỉnh điểm, cho thấy cổ phiếu VPB đang được giao dịch ở mức giá hấp dẫn. Đặc biệt là trong bối cảnh tiềm năng phục hồi lợi nhuận trong năm 2025 rất khả thi nhờ vào cải thiện từ hoạt động cho vay và thu nhập từ phí dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc SMBC hoàn tất mua thêm cổ phần trong năm 2024 nâng tỷ lệ sở hữu tại VPBank. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của giới đầu tư về chiến lược dài hạn của ngân hàng mà còn mở ra tiềm năng hợp tác quốc tế và mở rộng thị trường trong tương lai.
>>> Tìm hiểu thêm: Báo cáo tài chính VietinBank: Toàn cảnh sức khỏe tài chính của CTG
Chính sách cổ tức
VPBank duy trì chính sách cổ tức ổn định, thể hiện cam kết chia sẻ lợi nhuận với cổ đông trong suốt các năm qua. Cụ thể:
- Năm 2022, VPBank thực hiện cổ tức bằng tiền với mức 1.000 đồng/cổ phiếu và đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 2:1, tức là cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.
- Năm 2023, VPBank tiếp tục trả cổ tức bằng tiền với mức 1.000 đồng/cổ phiếu.
- Năm 2024, VPBank chưa thực hiện việc chia cổ tức, nhưng với kết quả kinh doanh tích cực, thì chính sách chia cổ tức vẫn rất khả quan.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư
Chính sách cổ tức của VPBank cho thấy sự ổn định và cam kết chia sẻ lợi nhuận với cổ đông, cũng như phản ánh khả năng sinh lời và quản lý tài chính hiệu quả của ngân hàng. Các cổ đông có thể kỳ vọng vào nguồn thu nhập thụ động ổn định từ cổ tức, đồng thời tăng trưởng giá trị cổ phiếu trong dài hạn.
Phân tích kỹ thuật cổ phiếu VPB
Bên cạnh những phân tích cơ bản về cổ phiếu VPB, nhà đầu tư cần nghiên cứu phân tích kỹ thuật để có những quyết định đầu tư chính xác hơn. Phân tích kỹ thuật sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện xu hướng giá, các mức hỗ trợ và kháng cự, cùng với các chỉ báo kỹ thuật quan trọng nhằm tối ưu hóa chiến lược đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội sinh lời lâu dài.
Biểu đồ giá
Năm 2024, cổ phiếu VPB dao động mạnh, đạt mức thấp nhất khoảng 17.000 đồng và cao nhất gần 23.000 đồng. Mặc dù chưa vượt qua vùng kháng cự dài hạn ở mức 25.000 đồng (mốc thiết lập đầu năm 2022), nhưng giá cổ phiếu đã có sự ổn định hơn kể từ quý IV/2024 nhờ thanh khoản tăng và lực mua quay trở lại. Đầu năm 2025, giá cổ phiếu VPB tiếp tục duy trì xu hướng tích lũy trong vùng giá từ 18.300 đồng đến 20.400 đồng, với các kịch bản tăng giá ngắn hạn khi tiệm cận biên trên của vùng tích lũy này.
Các vùng hỗ trợ/kháng cự quan trọng
- Vùng hỗ trợ mạnh: 17.500 – 18.000 đồng/cổ phiếu. Đây là vùng đáy được hình thành trong các đợt điều chỉnh của năm 2024.
- Vùng kháng cự gần: 21.500 – 22.000 đồng. Giá đã nhiều lần chạm vùng này rồi quay đầu.
- Kháng cự dài hạn: 25.000 đồng. Vượt qua mốc này có thể mở ra đà tăng trung hạn.
Trong năm 2025, xu hướng phục hồi của thị trường tài chính và sự dịch chuyển dòng tiền là vào các cổ phiếu ngân hàng có nền tảng tốt. Đây có thể là động lực giúp cổ phiếu VPB tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Nhà đầu tư nên theo dõi sát các vùng hỗ trợ/kháng cự, diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh thực tế của ngân hàng để ra quyết định đầu tư phù hợp.
VPBank và SMBC trở thành đối tác chiến lược
Các chỉ báo kỹ thuật
Chỉ số RSI (Relative Strength Index): RSI hiện dao động quanh mức 55–60, cho thấy cổ phiếu chưa rơi vào vùng quá mua, vẫn còn dư địa tăng giá.
Chỉ báo MACD (Moving Average Convergence Divergence): MACD đã cắt lên đường tín hiệu từ cuối tháng 3 năm 2025, báo hiệu một chu kỳ tăng mới có thể hình thành.
Khối lượng giao dịch: khối lượng đã tăng mạnh trong các phiên tăng giá gần đây, cho thấy dòng tiền đang quay trở lại vào cổ phiếu VPB. Đặc biệt, vào ngày 11/04/2025, khối lượng giao dịch đạt đỉnh 60,038,400 cổ phiếu, tương ứng với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,054,047 tỷ đồng và giá đóng cửa ở mức 17,450 đồng. Đây là phiên có khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ đầu năm 2025.
>>> Xem ngay: Báo cáo tài chính ACB: Phân tích kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính quan trọng
Cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu VPB
Qua các phân tích cơ bản và kỹ thuật, có thể thấy VPB đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ cho triển vọng phục hồi trong trung hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cổ phiếu vẫn có thể tiếp tục dao động tích lũy trước khi xác lập xu hướng tăng giá rõ ràng. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến thị trường và các tín hiệu kỹ thuật để đưa ra quyết định phù hợp. Dưới đây là một số cơ hội và rủi ro đáng lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu VPB:
Cơ hội
Hợp tác chiến lược với SMBC: Việc SMBC nâng tỷ lệ sở hữu tại VPBank là yếu tố củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và hứa hẹn mang lại sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị và các chuẩn mực quốc tế. Quan hệ hợp tác này có thể giúp VPBank nâng cao khả năng huy động vốn quốc tế, mở rộng hoạt động đầu tư và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới.
Tái cơ cấu hoạt động tài chính: VPBank đang có lộ trình giảm tỷ trọng cho vay tiêu dùng trực tiếp, chuyển sang mô hình quản trị tập trung vào dịch vụ tài chính toàn diện và tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi. Điều này sẽ giúp ngân hàng giảm rủi ro tín dụng trong dài hạn và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Định giá hấp dẫn: Với P/B và P/E đang ở mức thấp so với trung bình ngành, VPB là lựa chọn tiềm năng cho các nhà đầu tư giá trị. Khi thị trường phục hồi và ngành ngân hàng khởi sắc trở lại, cổ phiếu VPB có thể hưởng lợi kép từ cả tăng trưởng lợi nhuận và mở rộng định giá.
VPBank có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ vào định giá hấp dẫn
Xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Làn sóng đầu tư FDI và các hiệp định thương mại thế hệ mới giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn ngoại. VPBank, với nền tảng vững chắc và quan hệ quốc tế rộng, sẽ là một trong những tổ chức tài chính hưởng lợi nhiều nhất.
Rủi ro
Rủi ro từ tín dụng tiêu dùng: Mặc dù mảng cho vay tiêu dùng mang lại biên lợi nhuận cao, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi kinh tế giảm tốc và áp lực trả nợ của người dân gia tăng. Nếu không kiểm soát tốt, nợ xấu có thể tăng nhanh và ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Biến động lãi suất: Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, VPBank có thể chịu tác động nhất định về chi phí vốn và biên lãi ròng (NIM).
Áp lực cạnh tranh trong ngành: Sự phát triển nhanh của các ngân hàng số, fintech và những ngân hàng lớn đang đầu tư mạnh vào chuyển đổi số sẽ khiến cuộc cạnh tranh trong mảng bán lẻ và SMEs trở nên khốc liệt hơn. VPBank cần tiếp tục đổi mới để giữ vững vị thế.
Tâm lý thị trường và yếu tố chính trị toàn cầu: Như mọi cổ phiếu tài chính khác, giá VPB cũng chịu ảnh hưởng bởi các biến động vĩ mô, chính trị quốc tế và dòng vốn đầu tư toàn cầu. Bất kỳ sự kiện nào ảnh hưởng đến tâm lý thị trường đều có thể khiến cổ phiếu dao động mạnh.
Dù vẫn tồn tại những rủi ro nhất định liên quan đến môi trường vĩ mô và đặc thù mô hình kinh doanh, nhưng với mức định giá hiện tại, VPB đang nằm trong vùng hấp dẫn để tích lũy. Cổ phiếu VPB vẫn một lựa chọn đáng cân nhắc cho nhà đầu tư trung dài hạn nhờ nền tảng tài chính vững, chiến lược phát triển rõ ràng và tiềm năng từ quan hệ hợp tác quốc tế. Nếu cần được tư vấn chi tiết, Nhà đầu tư liên hệ Bộ phận Chuyên viên của KIS Việt Nam qua Hotline (028) 3914 8585, hoặc tìm hiểu các kiến thức chứng khoán chuyên sâu tại stockkisvn.vn.