Cổ phiếu ngân hàng nào nên mua trong năm 2023
Có nên đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong năm 2023 không? Cổ phiếu ngân hàng nào nên mua? Mua cổ phiếu ngân hàng giá bao nhiêu và những tiêu chí nào để lựa chọn được một cổ phiếu ngân hàng tốt. Tất cả những thắc mắc đó sẽ được giải đáp ở bài viết này, cùng KIS tìm hiểu câu trả lời nhé!
1. Tổng quan về cổ phiếu ngành ngân hàng
Ngân hàng vẫn là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, người điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital chia sẻ, năm 2023, Quỹ VESAF sẽ cân nhắc tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, nhất là những ngân hàng có lợi thế cạnh tranh về các chỉ số thanh khoản, danh mục cho vay đa dạng và quản trị rủi ro tốt. Nên cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới có thể là nhóm cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư săn đón.
1.1. Vì sao nên đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng
Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng là một trong những lựa chọn an toàn. Vì độ rủi ro thấp do ngân hàng khó phá sản. Các ngân hàng khi được cấp phép hoạt động phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của Nhà nước và có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng được mở cần đáp ứng tiêu chỉ giới hạn về quy mô với mức vốn điều lệ thấp nhất 3000 – 5000 tỷ, thể hiện được sự đảm bảo nhất định cho các ngân hàng.
Do đó khi có dấu hiệu bất thường xảy ra, bộ phận Kiểm toán và Ngân hàng Nhà nước sẽ lập tức tiến hành hỗ trợ để ngăn ngừa tình trạng phá sản.
Nhà đầu tư dễ dàng theo dõi thông tin, hoạt động của ngân hàng vì mọi thông tin hoạt động liên quan tới ngân hàng đều được công khai minh bạch giúp nhà đầu tư dễ nắm bắt được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mà mình đang có ý định mua hoặc sở hữu cổ phiếu đó, để có những chiến lược đầu tư phù hợp.
1.2. Đặc thù của cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu ngành ngân hàng có vai trò nâng đỡ và dẫn dắt thị trường. Bởi vì ngân hàng chính là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, ảnh hưởng sự phát triển của nền kinh tế. Khi kinh tế đi lên kết quả kinh doanh của ngân hàng cũng sẽ tăng trưởng.
Do vậy khi có sự biến động của cổ phiếu ngân hàng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các ngành khác cũng như chỉ số chung của thị trường.
Cổ phiếu ngành ngân hàng cũng có chu kỳ khá rõ nét vì lợi nhuận và triển vọng biến động theo chu kỳ kinh tế và chu kỳ về chính sách tiền tệ.
Hơn nữa cổ phiếu ngành ngân hàng thuộc nhóm có số lượng cổ phiếu niêm yết nhiều nhất tại VN30 (30 cổ phiếu có vốn hoá và thanh khoản lớn nhất thị trường – 9/30 mã).
Khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu bước vào một chu kỳ tăng điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng đầu tiên. Nhiều nhà đầu tư xem sự biến động của nhóm cổ phiếu này là chỉ báo tâm lý cho giới đầu tư trước những tín hiệu thay đổi xu hướng thị trường tăng hoặc giảm.
Khác với các doanh nghiệp sản xuất, ngân hàng là lĩnh vực có mô hình hoạt động kinh doanh đặc thù. Bản chất hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng là huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức và cho vay lại nguồn vốn đó. Do vậy khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu các chỉ số của các mã cổ phiếu ngân hàng để chọn lọc được các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
1.3. Các chỉ số quan trọng của mã cổ phiếu ngân hàng
Có nhiều tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu, nhưng để chọn lọc được một cổ phiếu ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt nhà đầu tư có thể cân nhắc 5 tiêu chí sau:
Tăng trưởng tín dụng và chất lượng cho vay
Tốc độ tăng trưởng tín dụng: Thường sẽ được tính theo công thức (năm hiện tại/ năm trước đó) – 1.
Tỷ lệ nợ xấu cho vay: Tỷ lệ nợ xấu thấp chứng tỏ ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Số lượng trái phiếu VAMC trên bảng cân đối kế toán: Số lượng VAMC cao chứng tỏ ngân hàng chưa xử lý tốt các khoản nợ tồn đọng.
Tỷ lệ chi phí dự phòng: Ngân hàng hoạt động tốt sẽ có tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro thấp
Chất lượng vốn đầu vào
Tỷ lệ tăng trưởng huy động cao.
Tỷ lệ Tiền gửi không kỳ hạn (CASA): Tỷ lệ CASA càng lớn giá vốn sẽ càng rẻ sẽ giúp ngân hàng có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Giá vốn huy động: Khi giá vốn huy động càng thấp tỷ lệ CASA sẽ càng cao.
Chỉ số an toàn vốn
Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động: ngân hàng có tiềm năng phát triển trong tương lai khi tỷ lệ này càng thấp.
Hệ số CAR: Hệ số CAR càng lớn khả năng tăng trưởng càng cao.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho khoản vay trung và dài hạn: Khi ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhiều thì có thể gặp rủi ro khi thanh khoản trong trường hợp khách hàng rút ồ ạt.
Tỷ lệ huy động liên ngân hàng: Tỷ lệ này càng cao thì tính thanh khoản càng thấp.
Cơ cấu thu nhập
Các yếu tố cần quan tâm bao gồm:
Lãi thuần.
Thu nhập ngoài lãi.
Thu nhập khác.
Hiệu quả kinh doanh
Chỉ số NIM: Chỉ số này càng cao cho thấy ngân hàng càng hoạt động hiệu quả.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập: Tỷ lệ này càng thấp chứng tỏ ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE): Hoạt động kinh doanh của ngân hàng được cho là tốt khi chỉ số này cao.
Mặc dù đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng ít rủi ro, vì có tính minh bạch cao. Nhưng không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng là cổ phiếu tốt. Những ngân hàng được đánh giá cao đó là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, cũng như bộ đệm thanh khoản và dự phòng rủi ro tốt.
1.4. Một số lưu ý khi đầu tư cổ phiếu ngân hàng
Điểm quan trọng nhất, đáng quan tâm đầu tiên khi chọn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng là chất lượng tài sản chứ không phải là hiệu quả kinh doanh của ngân hàng đó.
Chất lượng tài sản của một ngân hàng được đánh giá qua các yếu tố như tỷ lệ nợ xấu, trái phiếu VAMC, tỷ lệ lãi và phí phải thu, tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu. Chỉ khi chất lượng tài sản tốt thì việc đánh giá các chỉ số như kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, khả năng sinh lời mới có ý nghĩa.
Ngân hàng có LDR càng thấp, CAR càng cao sẽ thể hiện tiềm năng tăng trưởng tín dụng và phát triển bền vững của ngân hàng.
Chỉ nên đầu tư dài hạn vào các ngân hàng có ROE cao vượt trội (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng và bằng tối thiểu hai lần tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm).
>>> Xem thêm: TOP 6 Kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu cần nắm chắc trong tầm tay
2. TOP 10 mã cổ phiếu ngân hàng đang hot hiện nay
Có rất nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Để dễ dàng hơn trong việc cổ phiếu ngân hàng nào nên mua, hãy cùng chứng khoán KIS Việt Nam điểm qua TOP 10 mã cổ phiếu ngan hàng đang hot hiện nay.
2.1. Cổ phiếu Ngân hàng Công Thương (CTG)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, mã cổ phiếu CTG. Vốn điều lệ: 48,057,796,430,000 đồng.
Ngân hàng quốc doanh top đầu và đang có mức định giá khá hấp dẫn.
Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 của VietinBank ước đạt 20.500 tỷ đồng, đạt mục tiêu kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Nợ xấu cũng chỉ 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021).
2.2. Mã cổ phiếu ngân hàng Techcombank (TCB)
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Vốn điều lệ: 35,172,385,140,000 đồng.
Ngân hàng Techcombank thuộc hệ thống ngân hàng thương mại. Đây là một trong những ngân hàng tăng trưởng đều đặn và ổn định. Với vốn điều lệ là 35.172 tỷ đồng (10/2022), khối lượng cổ phiếu đang niêm yết: 3.510.914.798 và khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 3.587.238.514 cổ phiếu (16/11/2022).
2.3. Cổ phiếu ngân hàng Vietcombank (VCB)
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Vốn điều lệ: 47,325,276,230,000 đồng.
Vietcombank là một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam, cuối năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank đạt gần 36.800 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,67% và bao phủ nợ xấu cũng lên trên 465%.
VCB có kế hoạch cho vay thận trọng và quản lý rủi ro chặt chẽ. Chính vì điều này giúp VCB tăng khả năng cạnh tranh khi các khách hàng cá nhân gửi tiền đang tìm đến những ngân hàng an toàn hàng đầu hệ thống.
2.4. Mã cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MBB)
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội mã chứng khoán MBB. Vốn điều lệ: 45,339,861,330,000 đồng.
Hoạt động kinh doanh của MBB vẫn có được sự gia tăng tích cực. Tổng thu nhập hoạt động năm 2022 của ngân hàng tăng 23,4% nhờ đóng góp tích cực của hoạt động tín dụng và mảng kinh doanh ngoại hối, chi phí hoạt động tăng vừa phải (+19,7%) và chỉ phí dự phòng chỉ tăng nhẹ 0,2%. Các yếu tố trên đã giúp cho lợi nhuận sau thuế cả năm của MBB có được mức tăng 37,3% so với năm 2021, đồng thời hoàn thành vượt gần 12% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2022.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu của MBBank đạt 79,613 tỷ đồng, tăng khá mạnh 27,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn điều lệ của Ngân hàng tăng 20% lên 45.339 tỷ đồng do phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức. Ngoài ra, phần lợi nhuận chưa phân phối tăng mạnh cũng đóng góp nhiều và sự tăng trưởng của vốn chủ sở hữu.
Quy mô tài sản của MBB tăng mạnh trong năm 2022 với tăng trưởng tín dụng đạt 25% mức tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy vậy, nợ xấu có xu hướng gia tăng khá nhanh trong quý 4 năm 2022, dẫn đến việc Ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng, gây ảnh hưởng không tốt đến kết quả lợi nhuận. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MBB cuối năm 2022 đạt hơn 40%, có phần suy giảm so với năm 2021 nhưng đây vẫn là mức cao thuộc nhóm dẫn đầu của ngành ngân hàng. Đây chính là lợi thế lớn của ngân hàng Quân Đội, giúp giảm chi phí huy động, cải thiện biên lợi nhuận.
2.5. Cổ phiếu ngân hàng (ACB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu mà chứng khoán ACB. Vốn điều lệ: 27,019,480,750,000 đồng.
Ngân hàng ACB với chủ trương quản lý rủi ro thận trọng sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu tác động từ việc nợ xấu tiềm ẩn tăng lên trong năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, ACB vừa công bố thông tin về việc hoàn thành triển khai các nội dung trọng yếu ILAAP và chuẩn mực Basel III, một trong những chuẩn mực yêu cầu cao về vốn và quản trị rủi ro thanh khoản. ACB là ngân hàng thứ 6 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã hoàn thành quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III.
2.6. Ngân hàng Sacombank (STB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, mã chứng khoán STB. Vốn điều lệ: 18,852,157,160,000 đồng.
Cổ phiếu STB của Sacombank được khối ngoại quan tâm nhiều nhất, khối ngoại đã mua ròng cổ phiếu này từ đầu tháng 11/2022. Hiện tại cổ phiếu ngân hàng STB đã kín room ngoại.
Trong những năm qua, STB đã nâng cao chất lượng tài sản một cách ấn tượng và đặc biệt ngân hàng này không cho vay trái phiếu doanh nghiệp cũng như chỉ duy trì dư nợ cho vay bất động sản ở mức thấp.
Những cải thiện về chất lượng tài sản của STB nhờ vào việc trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản nợ xấu (đưa NIM tăng gấp đôi trong quý 3 năm 2022 lên 4,43%), cũng như việc giải quyết nợ xấu và tài sản có vấn đề một cách tích cực.
Tỉ lệ nợ xấu giảm đáng kể 37 điểm cơ bản xuống 0,9% trong quý 3 năm 2022, đây là mức thấp nhất trong những năm gần đây.
2.7. Cổ phiếu VPBank (VPB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng mã chứng khoán VPB. Với vốn điều lệ: 67,434,296,800,000 đồng. Ngân hàng này đã có tổng 131 Chi nhánh và Phòng giao dịch trên toàn quốc.
Lợi nhuận sau thuế của VPB năm 2022 đạt 16.924 tỷ đồng, tăng 47.5% so với năm 2021.
Tại thời điểm cuối quý tư 2022 tổng tiền gửi VPB huy động được từ khách hàng ở mức 303.152 tỷ đồng, tăng 25.5% kể từ đầu năm. VPB thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng tiền gửi trong năm 2022. Tại cuối quý 4 năm 2022 tổng vốn chủ sở hữu của VPB đạt 103,517 tỷ đồng, tăng khá mạnh gần 20% so với đầu năm.
2.8. Cổ phiếu ngân hàng Quốc tế (VIB)
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam mã chứng khoán VIB. Vốn điều lệ: 21,076,729,450,000 đồng.
Trong quý 4/2022, hoạt động tín dụng của VIB thu về 3.971 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 15%, so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của VIB đã ghi nhận ở mức 2.217 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xét cả năm 2022 thì hoạt động kinh doanh của VIB vẫn có sự tăng trưởng tương đối tích cực nhờ đã tăng tốt trong ba quý đầu năm. Tổng thu nhập hoạt động năm 2022 đã tăng 21,3% so với năm 2021 chủ yếu do lực kéo từ hoạt động tín dụng. Cộng với việc chi phi dự phòng rủi ro giảm được đáng kể (-22,3%) nên lợi nhuận đạt được trong năm 2022 của VIB đã tăng hơn 32%, so với năm 2021.
2.9. Cổ phiếu ngân hàng SHB
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, mã chứng khoán SHB, vốn điều lệ: 30,674,008,400,000 đồng.
Với việc chi phí hoạt động và chi phi dự phòng rủi ro được kiểm soát tốt nên lợi nhuận sau thuế năm tăng mạnh gần 54% so với năm trước đạt mức 7,706 tỷ đồng.
31/12/2022 quy mô tổng tài sản của SHB đạt mức 528.560 tỷ đồng tăng 8.8% so với thời điểm đầu năm.
2.10. Cổ phiếu ngân hàng BIDV
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam mã chứng khoán BID. Vốn điều lệ: 50,585,400,760,000 đồng.
BIDV cũng là một trong những ngân hàng được khối ngoại ưa thích khi trong 12 phiên gần đây nhất thì khối ngoại mua ròng tới 11 phiên.
BIDV có câu chuyện riêng khi đã thành công xử lý được khối nợ xấu từ giai đoạn trước. Đây là lần đầu tiên BIDV ngắt được xu hướng chi phí dự phòng liên tiếp đi lên trong suốt 5 năm qua. Đây cũng là lần đầu nhà băng này đạt mức lãi tỷ USD, lợi nhuận trước thuế tăng vọt 70% so với năm trước.
>>> Tham khảo thêm: TOP 5 mã chứng khoán ngành dầu khí đáng mong đợi năm 2023
3. Cổ phiếu ngân hàng nào nên mua năm 2023
Trong năm 2023 cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ dẫn sóng trở lại sau khi định giá ngành ở mức thấp nhất 10 năm qua. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, thị trường có nhiều khả năng sẽ còn có nhiều thử thách trong nửa đầu năm 2023, trước khi tăng trưởng theo chiều hướng tích cực vào nửa cuối năm.
Với những biến động gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư nên tập trung vào các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay những thị trường này ở mức thấp, đặc biệt nên lựa chọn đầu tư vào những ngân hàng có nhận diện thương hiệu tốt cùng bộ đệm tín dụng vững chắc.
Trong số các cổ phiếu ngân hàng thì VCB là một trong số những ngân hàng có tiềm năng tốt. Nhờ hoạt động cho vay thận trọng và quản lý rủi chặt chẽ. Đây cũng là thương hiệu ngân hàng uy tín có độ canh tranh tốt so với thị trường. Chất lượng tài sản cũng thuộc top đầu trong hệ thống các ngân hàng. Nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức tốt nhất trong ngành. Việc phát hành cổ phiếu tương đương với 6,5% vốn điều lệ trước phát hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng của ngân hàng trong trung hạn.
BID cũng là mã cổ phiếu ngành ngân hàng tiềm năng trong năm 2023. Do tỷ trọng dư nợ cho vay ở thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đều ở mức thấp, sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của BID sẽ có thể đạt mức cao. Đồng thời việc phát hành cổ phiếu tương đương với 9% vốn điều lệ trước phát hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong trung hạn cho cổ phiếu này.
ACB cổ phiếu ngân hàng Á Châu vững vàng trước những biến động của thị trường cũng sẽ là một cổ phiếu đáng quan tâm . Trước sự biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây khiến nhiều ngân hàng lo lắng, nhưng đối với ACB không ảnh hưởng nghiêm trọng do danh mục cho vay của ngân hàng được kiểm soát tốt. ACB đang giao dịch ở mức P/B năm 2023 là 1,05 lần, khá hấp dẫn với ROE là 23,7%.
Cổ phiếu ngân hàng STB sẽ là một ứng cử viên sáng giá, nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 3 năm 2022 NIM của STB đạt 4,43% – mức cao nhất kể từ năm 2015. Ngân hàng này đã thoái thu toàn bộ phần lãi dự thu nằm trong đề án tái cơ cấu trong năm 2022. Do đó, NIM sẽ có thể quay về mức bình thường và tương đương với các NHTMCP khác từ thời điểm này trở đi. Những thông tin tích cực trên sẽ hỗ trợ cho ngân hàng trong thời gian tới, đây cũng là ngân hàng được khối ngoại quan tâm.
Trên đây là top những cổ phiếu ngân hàng tiềm năng trong năm 2023, nhà đầu tư có thể tham khảo trong thời gian tới và lựa chọn mã cổ phiếu ngân hàng nào nên mua. Để giúp nhà đầu tư dễ dàng cập nhật những thông tin chính xác và hỗ trợ tư vấn chiến lược đầu tư, công ty chứng khoán KIS Việt Nam có đội ngũ chuyên viên tư vấn nhiệt tình và giàu kinh nghiệm, sẽ hỗ trợ quý nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư của mìn qua trang stockkisvn.vn hoặc liên hệ:
– Chuyên viên chăm sóc khách hàng hoặc Bộ phận dịch vụ: (028) 3914 8585