Cổ phiếu BMP – Nhựa Bình Minh và triển vọng đầu tư
Cổ phiếu BMP – Nhựa Bình Minh luôn được nhiều nhà đầu tư đưa vào danh mục đáng quan tâm. Vậy BMP có tiềm năng và triển vọng như thế nào? Hãy cùng KIS Việt Nam tìm hiểu về mã cổ phiếu này.
Tổng quan về Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP)
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu Nhựa Bình Minh đang ngày càng có sức hút đối với nhiều nhà đầu tư. Vậy doanh nghiệp này có quá trình phát triển như thế nào, kết quả kinh doanh ra sao để có thể thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư?
Lịch sử hình thành và phát triển
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) được thành lập vào năm 1977, với mục tiêu sản xuất và cung cấp các sản phẩm nhựa chất lượng cao cho thị trường Việt Nam. Trải qua hơn 45 năm, BMP đã xây dựng được thương hiệu vững mạnh, trở thành doanh nghiệp hàng đầu ở trong nước và đang nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế.
Nhựa Bình Minh – mã cổ phiếu BMP được niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2006. Trong quá trình phát triển, BMP đã đạt được nhiều danh hiệu và giải thưởng uy tín. Trong đó nổi bật là Huân chương Lao động, Cúp vàng Chất lượng Quốc gia cùng nhiều giải thưởng khác.
Hoạt động và kết quả kinh doanh
Các sản phẩm chủ lực của BMP là ống nhựa, phụ kiện nhựa, các sản phẩm nhựa phục vụ cho xây dựng và công nghiệp. Các nhà máy sản xuất của BMP được đặt tại các khu công nghiệp lớn trên cả nước. Bao gồm: Nhà máy Bình Minh – Long An, Nhà máy Bình Minh – Bình Dương, Nhà máy Bình Minh – Hưng Yên và Nhà máy Bình Minh – Sài Gòn.
Hoạt động và kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh năm 2023
Kết quả kinh doanh trong những năm qua cho thấy BMP liên tục tăng trưởng. Trong năm 2023, BMP đạt doanh thu thuần 5.157 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục với 1.041 tỷ đồng. Sang Quý I/2024, doanh thu của BMP đạt hơn 1.000 tỷ, lợi nhuận xấp xỉ 190 tỷ đồng. Những con số tích cực này đã cho thấy được sức mạnh tài chính vững chắc của công ty. Đến khoảng đầu tháng 7/2024, giá cổ phiếu Nhựa Bình Minh được giao dịch quanh vùng 100.000đ/cổ phiếu.
>>> Tìm hiểu thêm: Chứng khoán ngành y tế – dược phẩm Việt Nam
Đánh giá tiềm năng đầu tư vào cổ phiếu BMP
Để đánh giá tiềm năng của BMP, nhà đầu tư cần nghiên cứu triển vọng ngành nhựa trong tương lai. Phân tích các yếu tố liên quan có thể đẩy mạnh sự phát triển của ngành nhựa nói chung và BMP nói riêng. Đồng thời xem xét khó khăn của ngành và doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả.
Triển vọng ngành nhựa
Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng và phát triển hạ tầng ngày càng tăng, ngành nhựa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Các chính sách đầu tư công tạo ra cơ hội lớn cho BMP và các doanh nghiệp trong ngành nhựa. Mặt khác, chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này. Chẳng hạn như các ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. Đồng thời, một số các nước và khu vực cũng có chính sách ưu đãi thuế đối với các sản phẩm nhựa được xuất khẩu từ Việt Nam.
Những yếu tố tác động tích cực đến cổ phiếu Nhựa Bình Minh
Trong những năm gần đây, nhựa được xem là một trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao. Theo thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành từ 10-12%/năm. Riêng đối với Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp này đang có nhiều lợi thế để tiếp tục phát triển mạnh.
Thị phần lớn
BMP đã có được thị phần lớn khi liên tục tăng trưởng mạnh mẽ với mức lợi nhuận kỷ lục. Nhựa Bình Minh hiện nắm giữ khoảng 50% thị phần ống nhựa xây dựng tại khu vực phía Nam. Và chiếm khoảng 5% thị phần ống nhựa, phụ tùng nhựa tại khu vực miền Bắc.
Nhựa Bình Minh chiếm 1/2 thị phần ống nhựa xây dựng tại khu vực phía Nam
Với việc nắm giữ thị phần đáng kể trong ngành nhựa sẽ giúp BMP duy trì vị thế cạnh tranh và gia tăng doanh thu trong thời gian tới. Hiện tại, BMP đang đặt mục tiêu trở thành công ty nhựa hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Nhu cầu thị trường phục hồi
Nhu cầu về ống nhựa dự kiến tăng trưởng 8,5% trong năm 2024 (Hiệp hội Nhựa Việt Nam). Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi sự hồi phục trong ngành xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng nhà ở khi áp lực vay giảm. Những yếu tố này sẽ là điều kiện thuận lợi cho BMP phát triển.
Sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), BMP đã có thêm nhiều điều kiện để mở rộng. Tiếp tục đầu tư vào công nghệ, đẩy mạnh quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Năng lực xuất khẩu cao
Không chỉ có hệ thống phân phối trên cả nước, BMP đã mở rộng thị trường sang nhiều quốc gia. Công ty đã xuất khẩu các sản phẩm sang Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, và một số nước châu Âu. Chính nhờ đầu tư mạnh vào công nghệ, các sản phẩm đạt được tiêu chuẩn quốc tế và tăng khả năng xuất khẩu. Với định hướng và chiến lược phát triển rõ ràng, cổ phiếu BMP được nhiều nhà đầu tư chú ý và đặt kỳ vọng trong tương lai.
>>> Tham khảo thêm: Có nên đầu tư vào cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính?
Những khó khăn ảnh hưởng đến cổ phiếu Nhựa Bình Minh
Bên cạnh những tiềm năng lợi thế, nhà đầu tư cần xem xét thêm những khó khăn trong ngành. Đây có thể là những yếu tố rủi ro, tác động đến giá cổ phiếu BMP trong thời gian tới.
Áp lực cạnh tranh gay gắt
Ngành nhựa đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại miền Bắc, BMP đối mặt với sự cạnh tranh của đối thủ mạnh là Nhựa Tiền Phong (NTP). NTP có lợi thế nhà máy tập trung ở miền Bắc, giảm được chi phí vận chuyển so với BMP.
Sự biến động giá nguyên liệu
Sự biến động của giá nguyên liệu nhựa sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận. Theo thống kê, ngành nhựa Việt Nam nhập khẩu hơn 6 triệu tấn nguyên liệu trong năm 2023. Hiện tại, nguyên liệu trong nước hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu nội địa. 70% còn lại đang được nhập khẩu từ các nước như: Ả-rập Xê-út, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Nếu phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ đẩy cao chi phí đầu vào, rủi ro về tỷ giá tăng, giảm sức cạnh tranh và khó tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Biến động của giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận
Từ đầu năm 2024, giá các loại hạt nhựa đã tăng mạnh do nhiều yếu tố. Cụ thể, là tình hình gián đoạn vận chuyển tại Châu Âu và Trung Đông, cộng với kỳ nghỉ lễ kéo dài tại Trung Quốc đã làm giảm nguồn cung nguyên liệu nhựa, đẩy giá nhựa tăng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung từ Thái Lan và Indonesia, nơi giá cả cũng liên tục tăng do nắm bắt được tình trạng khan hiếm này.
Chuyển đổi xu hướng tiêu dùng xanh
Các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt đòi hỏi các doanh nghiệp nhựa phải đầu tư vào công nghệ xanh. Phát triển các sản phẩm nhựa tái chế, nhựa sinh học để đáp ứng yêu cầu. Sự chuyển dịch sang các sản phẩm thân thiện với môi trường có thể tạo ra áp lực đối với BMP trong việc điều chỉnh sản phẩm và chiến lược kinh doanh.
Khuyến nghị đầu tư đối với cổ phiếu BMP
Hiện tại, mã cổ phiếu Nhựa Bình Minh đang ở mức 97.500 VNĐ (cập nhật ngày 12/7). So với giữa tháng 6/2024, giá cổ phiếu của BMP có xu hướng giảm (khoảng 10.000 VNĐ/cổ phiếu). BMP phù hợp để đầu tư cổ phiếu dài hạn, tìm kiếm sự tăng trưởng bền vững. Bởi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định và triển vọng ngành tích cực. Nhà đầu tư quan tâm nên theo dõi và tìm kiếm cơ hội mua vào khi cổ phiếu có sự điều chỉnh giá, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Nghiên cứu và tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư vào cổ phiếu của BMP
Cổ phiếu BMP rất có triển vọng đầu tư trong bối cảnh ngành nhựa đang phát triển. Tuy nhiên, cần chú ý đến các yếu tố rủi ro để có quyết định đầu tư hợp lý. Nếu chưa có sự am hiểu, việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính là cần thiết.
Nhà đầu tư có thể nhận sự hỗ trợ từ các Chuyên viên chăm sóc khách hàng của KIS Việt Nam qua Hotline (028) 3914 8585. Hoặc có thể truy cập vào stockkisvn.vn để biết thêm các thông tin khác.