Chỉ số thanh toán hiện hành là gì? Cách tính và ý nghĩa trong doanh nghiệp
Khả năng thanh toán hiện hành là một trong những chỉ số tài chính quan trọng phản ánh trực tiếp năng lực này chính. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính đánh giá nhanh tình hình thanh khoản và mức độ an toàn tài chính trong ngắn hạn. Vậy chỉ số thanh toán hiện hành là gì, cách tính ra sao và nó mang ý nghĩa như thế nào trong quá trình quản trị và ra quyết định đầu tư? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây nhé!
Chỉ số thanh toán hiện hành là gì?
Chỉ số thanh toán hiện hành hay còn gọi là Current Ratio là một trong những chỉ số tài chính quan trọng dùng để đo lường khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp. Nó thể hiện mối quan hệ giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của doanh nghiệp giúp đánh giá khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn trong vòng 12 tháng tới.
Chỉ số này được tính theo công thức:
Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản trong ngắn hạn/ Nợ ngắn hạn
Trong đó:
- Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền mặt, các khoản phải thu, hàng tồn kho và các tài sản có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng 12 tháng.
- Nợ ngắn hạn bao gồm các khoản vay, nợ phải trả, các khoản phải trả khác đến hạn trong vòng 12 tháng.
Hệ số thanh toán hiện hành cao cho thấy doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn tốt, trong khi một chỉ số quá thấp có thể cho thấy nguy cơ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ này.
Ý nghĩa của chỉ số khả năng thanh toán hiện hành
Chỉ số thanh toán hiện hành không chỉ phản ánh tình hình tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp mà còn là một trong những căn cứ quan trọng để các bên liên quan như nhà đầu tư, ngân hàng và chính doanh nghiệp đưa ra quyết định. Dưới đây là những ý nghĩa cụ thể của chỉ số này đối với từng đối tượng.
Current ratio là chỉ số phản ánh tình hình tài chính ngắn hạn
Đối với doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, hệ số thanh toán hiện hành đóng vai trò như một công cụ kiểm tra sức khỏe tài chính trong ngắn hạn. Chỉ số này giúp doanh nghiệp:
- Đánh giá khả năng thanh khoản: Biết được liệu công ty có đủ tài sản ngắn hạn để thanh toán nợ đến hạn hay không.
- Hỗ trợ trong quản lý dòng tiền: Nếu chỉ số quá thấp, doanh nghiệp cần xem xét tăng khả năng thu hồi công nợ, giảm hàng tồn kho hoặc đàm phán giãn nợ.
- Ra quyết định tài chính hợp lý: Giúp ban lãnh đạo cân nhắc kỹ trước khi mở rộng kinh doanh, vay vốn, đầu tư mới…
Chỉ số ở mức hợp lý (thường từ 1.2 đến 2) cho thấy doanh nghiệp đang quản lý tốt dòng tiền và tài sản lưu động, không bị áp lực tài chính quá lớn.
Đối với nhà đầu tư và ngân hàng
Với nhà đầu tư và ngân hàng, chỉ số thanh toán hiện hành là thước đo độ an toàn tài chính của doanh nghiệp trước khi quyết định giải ngân hoặc rót vốn:
- Nhà đầu tư: Quan tâm đến chỉ số này để đánh giá rủi ro mất vốn do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ngắn hạn. Một doanh nghiệp có chỉ số thấp (<1) có thể gặp khó khăn về dòng tiền ảnh hưởng đến hoạt động và lợi nhuận.
- Ngân hàng và tổ chức tín dụng: Sử dụng chỉ số thanh toán hiện hành để đánh giá khả năng trả nợ vay trong ngắn hạn trước khi cấp tín dụng. Doanh nghiệp có chỉ số thấp có thể bị từ chối cho vay hoặc phải chịu lãi suất cao hơn.
Vì vậy, chỉ số này giúp các bên ra quyết định đầu tư và cho vay một cách thận trọng và có cơ sở.
Lưu ý khi đánh giá chỉ số thanh toán hiện hành
Mặc dù là một chỉ số quan trọng nhưng việc đánh giá khả năng thanh toán hiện hành cần lưu ý các yếu tố sau:
- Không đánh giá đơn lẻ: Cần kết hợp với các chỉ số tài chính khác như chỉ số thanh toán nhanh, vòng quay hàng tồn kho, vòng quay các khoản phải thu… để có cái nhìn toàn diện.
- Phụ thuộc vào ngành nghề: Mỗi ngành có đặc thù tài chính riêng. Ví dụ, doanh nghiệp bán lẻ thường có chỉ số cao hơn do ít nợ ngắn hạn, trong khi doanh nghiệp xây dựng có thể duy trì mức thấp hơn nhưng vẫn an toàn.
Cần lưu ý khi đánh giá chỉ số thanh toán hiện hành của một doanh nghiệp
- Cần xem xét theo thời gian: Việc theo dõi chỉ số này trong nhiều kỳ kế toán sẽ giúp phát hiện xu hướng tăng/giảm, từ đó đưa ra hành động phù hợp.
- Chất lượng tài sản ngắn hạn: Chỉ số cao chưa chắc an toàn nếu phần lớn tài sản ngắn hạn là hàng tồn kho khó tiêu thụ hoặc các khoản phải thu khó thu hồi.
Chỉ số thanh toán hiện hành là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tự đánh giá khả năng thanh toán, đồng thời cũng là căn cứ để nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá mức độ an toàn tài chính. Tuy nhiên, cần nhìn nhận chỉ số này trong bối cảnh ngành, chất lượng tài sản và xu hướng thay đổi theo thời gian để có cái nhìn chính xác và toàn diện hơn.
Cách đánh giá và sử dụng chỉ số đúng cách
Mặc dù chỉ số này là một công cụ quan trọng để đánh giá khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp nhưng nếu chỉ dựa vào con số này một cách đơn lẻ thì có thể dẫn đến những nhận định sai lệch. Để đánh giá đúng và khai thác hiệu quả chỉ số này, nhà đầu tư và nhà quản trị doanh nghiệp cần lưu ý các yếu tố sau:
Kết hợp với các chỉ số tài chính khác
Chỉ số thanh toán hiện hành chỉ cho biết doanh nghiệp có bao nhiêu tài sản ngắn hạn so với nợ ngắn hạn nhưng không cho biết rõ mức độ thanh khoản thực sự của từng loại tài sản. Do đó, để có đánh giá chính xác hơn, cần kết hợp với các chỉ số khác như:
- Chỉ số thanh toán nhanh: Loại trừ hàng tồn kho ra khỏi tài sản ngắn hạn phản ánh chính xác hơn khả năng thanh toán bằng tài sản dễ chuyển đổi thành tiền.
- Vòng quay hàng tồn kho: Giúp đánh giá khả năng bán hàng tồn và chuyển thành tiền mặt.
- Vòng quay các khoản phải thu: Phản ánh tốc độ thu hồi nợ từ khách hàng.
- Dòng tiền hoạt động: Cho biết khả năng tạo ra tiền mặt từ hoạt động kinh doanh chính.
Kết hợp các chỉ số này sẽ giúp hình thành bức tranh tài chính rõ nét hơn, từ đó tránh đánh giá sai năng lực tài chính thực tế của doanh nghiệp.
Kết hợp current ratio và các chỉ số tài chính khác khi phân tích doanh nghiệp
Lưu ý theo đặc thù ngành
Mỗi ngành nghề có mô hình kinh doanh và cấu trúc tài chính riêng, dẫn đến chỉ số thanh toán hiện hành cũng khác nhau:
- Ngành bán lẻ, dịch vụ: Thường có chỉ số cao do doanh thu đều đặn, ít phải đầu tư nhiều vào tài sản dài hạn.
- Ngành xây dựng, bất động sản: Có thể có chỉ số thấp do chu kỳ thanh toán dài, vốn lưu động tập trung vào hàng tồn kho hoặc chi phí xây dựng dở dang.
- Ngành sản xuất công nghiệp: Phụ thuộc nhiều vào thời gian quay vòng nguyên vật liệu và hàng tồn kho.
Vì vậy, khi đánh giá chỉ số khả năng thanh toán hiện hành không nên áp dụng một ngưỡng chuẩn duy nhất cho tất cả các doanh nghiệp mà cần xem xét trong bối cảnh ngành cụ thể để đưa ra nhận định phù hợp.
Tính theo thời gian để đánh giá xu hướng
Một doanh nghiệp có chỉ số thanh toán hiện hành tạm thời thấp chưa chắc là tín hiệu xấu và ngược lại. Điều quan trọng là theo dõi chỉ số này theo thời gian để đánh giá xu hướng và sự ổn định trong năng lực tài chính:
- Chỉ số tăng dần theo thời gian: Có thể cho thấy doanh nghiệp đang cải thiện khả năng quản lý dòng tiền và tài sản lưu động.
- Chỉ số giảm mạnh hoặc biến động lớn: Là dấu hiệu cảnh báo có thể xảy ra vấn đề về tài chính hoặc quản lý vốn lưu động không hiệu quả.
- So sánh theo quý hoặc năm: Giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm bắt các thay đổi về cấu trúc tài sản, chính sách tín dụng và chiến lược tài chính.
Để sử dụng chỉ số một cách đúng đắn và hiệu quả cần đặt nó trong ngữ cảnh tổng thể. Cách tiếp cận toàn diện này sẽ giúp nhà quản trị và nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác, giảm thiểu rủi ro trong phân tích tài chính doanh nghiệp.
Cần đặt chỉ số cần phân tích trong ngữ cảnh tổng thể khi đánh giá doanh nghiệp
Ví dụ minh họa thực tế
Để hiểu rõ hơn về cách chỉ số thanh toán hiện hành phản ánh năng lực tài chính của doanh nghiệp, hãy cùng phân tích ví dụ thực tế từ báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) – một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2024, NLG ghi nhận:
- Tài sản ngắn hạn: khoảng 17.300 tỷ đồng
- Nợ ngắn hạn: khoảng 7.500 tỷ đồng
Từ đó, có thể tính được chỉ số thanh toán hiện hành = 17.300 / 7.500 ≈ 2,31.
Với mức chỉ số này, có thể thấy rằng NLG đang sở hữu một lượng tài sản ngắn hạn hơn gấp đôi so với nợ ngắn hạn. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy công ty có khả năng thanh toán các nghĩa vụ ngắn hạn một cách dễ dàng, đồng thời vẫn có dư địa để duy trì dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, để đánh giá kỹ hơn cần xem xét chất lượng của các tài sản ngắn hạn này. Trong trường hợp của NLG, phần lớn tài sản ngắn hạn đến từ hàng tồn kho. Cụ thể là các dự án bất động sản đang xây dựng dở dang như Mizuki Park, Southgate, Akari City… Điều này có nghĩa là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt nhanh chóng của các tài sản này còn phụ thuộc vào tiến độ bán hàng và thị trường bất động sản.
>>> Xem ngay: Phân tích chi tiết tiềm năng cổ phiếu NLG trong năm 2025
Chỉ số thanh toán hiện hành là một chỉ số tài chính quan trọng giúp đánh giá khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có cái nhìn đầy đủ về tình hình tài chính, cần kết hợp với các chỉ số tài chính khác. Để tìm hiểu thêm các chỉ số khác, nhà đầu tư có thể truy cập website stockkisvn.vn hoặc liên hệ Bộ phận Chăm sóc Khách hàng qua Hotline (028) 3914 8585 để được hỗ trợ nhé!