Báo cáo tài chính Sacombank quý I/2025 đã được công bố, có gì đáng chú ý?
Cổ phiếu Sacombank (STB) đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư trong những phiên giao dịch gần đây. Liệu báo cáo tài chính Sacombank quý I/2025 có phản ánh những yếu tố hỗ trợ đà tăng giá và thanh khoản cổ phiếu? Hãy cùng Chứng khoán KIS Việt Nam phân tích chi tiết trong bài viết này!
Giới thiệu tổng quan về Sacombank
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được thành lập năm 1991, là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam. Ngân hàng được hình thành trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Phát triển Kinh tế Gò Vấp với ba hợp tác xã tín dụng gồm Tân Bình, Thành Công và Lữ Gia. Với mạng lưới rộng khắp cả nước và hiện diện tại Lào và Campuchia, Sacombank cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và định chế tài chính.
Sacombank là ngân hàng tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Đây là ngân hàng Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2006. Là ngân hàng đầu tiên xây dựng Trung tâm Dữ liệu (Data Center) hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, là đơn vị đi đầu trong việc tiếp nhận vốn ủy thác, tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế như IFC, ADB, Proparco và FMO.
Trong những năm gần đây, Sacombank đã đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu toàn diện, tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản, tối ưu hóa bộ máy quản trị và chuyển đổi số mạnh mẽ. Ngân hàng hướng đến mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu khu vực, với khẩu hiệu “Đồng hành cùng phát triển”.
>>> Xem thêm: Đánh giá sức khỏe và cơ hội đầu tư qua báo cáo tài chính Vietcombank
Phân tích kết quả hoạt động kinh doanh Quý I/2025
Bước sang năm 2025, Sacombank khởi đầu bằng một quý kinh doanh tích cực, cho thấy đà tăng trưởng được duy trì ổn định nhờ chiến lược tái cơ cấu hiệu quả và đẩy mạnh số hóa. Kết quả báo cáo tài chính Sacombank quý I/2025 phản ánh rõ nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động và kiểm soát chi phí của ngân hàng.
Quầy giao dịch của ngân hàng Sacombank hiện đại chuyên nghiệp
Doanh thu và lợi nhuận
Chỉ tiêu | Q1/2025 | Q1/2024 | Tăng tuyệt đối (tỷ đồng) | Tăng trưởng (%) |
Doanh thu | 7.796,44 | 6.874,79 | +921,65 | +13,40% |
Lợi nhuận | 2.896,69 | 2.111,41 | +785,28 | +37,19% |
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận Sacombank quý I/2025 so với cùng kỳ
Theo báo cáo tài chính Sacombank, trong quý 1 năm 2025 ghi nhận doanh thu đạt 7.796,44 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2024 (6.874,79 tỷ đồng). Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng vượt bậc, đạt 2.896,69 tỷ đồng, cao hơn 37,2% so với mức 2.111,41 tỷ đồng của quý 1 năm trước. Tốc độ tăng lợi nhuận cao gấp gần ba lần tốc độ tăng doanh thu cho thấy ngân hàng đã cải thiện rõ rệt hiệu quả hoạt động. Đồng thời, so sánh báo cáo tài chính Sacombank qua các năm, đây là mức lợi nhuận quý đầu năm cao nhất trong nhiều năm qua (Q1/2023: 1.900 tỷ đồng; Q1/2022: 1.274 tỷ đồng; Q1/2021: 801 tỷ đồng).
Biên lợi nhuận (tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu) cũng phản ánh xu hướng tích cực này. Cụ thể, biên lợi nhuận của STB trong quý 1/2025 đạt khoảng 37,16%, tăng đáng kể so với mức 30,71% của cùng kỳ năm 2024. Cho thấy STB không chỉ mở rộng quy mô doanh thu mà còn tối ưu tốt hơn các yếu tố chi phí, hoặc tăng tỷ trọng các nguồn thu có biên lợi nhuận cao hơn, chẳng hạn như thu nhập từ dịch vụ hay đầu tư.
Tổng thể, báo cáo tài chính Sacombank quý 1/2025 thể hiện ngân hàng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng hiệu quả, với khả năng sinh lời được cải thiện rõ rệt. Nếu duy trì được đà tăng này trong các quý tiếp theo, STB hoàn toàn có cơ hội vượt xa kết quả kinh doanh của cả năm 2024 và thiết lập một cột mốc mới về lợi nhuận trong năm 2025.
Cơ cấu thu nhập
Trong tổng thể kết quả kinh doanh quý I/2025 theo báo cáo tài chính Sacombank, thu nhập từ lãi tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu của Sacombank. Chiếm khoảng 82,5% tổng thu nhập hoạt động, tương đương 6.863 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng đóng góp tích cực, đạt 1.433 tỷ đồng, trong khi chi phí cho hoạt động này giảm nhẹ xuống 705 tỷ đồng, giúp lãi thuần từ dịch vụ tăng 26%, lên mức 728 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính Sacombank cho thấy hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng giữ ổn định với mức thu nhập 308 tỷ đồng, tương đương quý I/2024. Trong khi đó, các nguồn thu khác như mua bán chứng khoán và các khoản thu nhập phụ trợ tuy không lớn, nhưng vẫn đóng vai trò bổ sung, giúp đa dạng hóa nguồn thu và giảm sự phụ thuộc vào tín dụng.
Sacombank luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ
Đặc biệt, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ giảm mạnh tới 71,2%, chỉ còn 195 tỷ đồng so với mức 678 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là yếu tố góp phần quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế tăng vọt lên 3.674 tỷ đồng, dù không phản ánh trực tiếp trong phần doanh thu, nhưng là yếu tố đáng chú ý trong cơ cấu lợi nhuận gộp.
Phân tích tài sản và nguồn vốn
Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2025, Sacombank tiếp tục thể hiện nội lực tài chính vững vàng thông qua sự mở rộng về quy mô tổng tài sản và cải thiện chất lượng nguồn vốn. Dữ liệu báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, cả ở khía cạnh mở rộng cho vay và tối ưu hóa cấu trúc vốn.
Tổng tài sản
Báo cáo tài chính Sacombank tính đến ngày 31/03/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt 757.093 tỷ đồng, tăng khoảng 9,2% so với quý I/2024 (693.535 tỷ đồng). Mức tăng này cho thấy ngân hàng đã mở rộng quy mô hoạt động rõ rệt. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ:
- Dư nợ cho vay khách hàng đạt 553.761 tỷ đồng, tăng 12,5% so với quý I/2024. Đây là yếu tố chính thúc đẩy tăng tổng tài sản.
- Tiền gửi và cho vay các TCTD khác theo báo cáo tài chính Sacombank đạt 76.158 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 56.986 tỷ đồng của quý I/2024.
- Chứng khoán đầu tư giữ ổn định ở mức 84.006 tỷ đồng, cho thấy ngân hàng vẫn duy trì danh mục đầu tư tài chính có tính thanh khoản và sinh lời.
Việc phân bổ tài sản tập trung vào các khoản có khả năng sinh lợi như cho vay và đầu tư phản ánh định hướng tăng trưởng an toàn và hiệu quả của Sacombank.
Cơ cấu nguồn vốn
Tổng nguồn vốn huy động (bao gồm cả vốn chủ sở hữu và nợ phải trả) cũng gia tăng tương ứng, đảm bảo sự cân đối tài chính:
Tiền gửi khách hàng: đạt 585.569 tỷ đồng, tăng khoảng 9,8% so với quý I/2024 (533.358 tỷ đồng). Đây là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn vốn, thể hiện niềm tin ổn định của khách hàng đối với ngân hàng.
Tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác: theo báo cáo tài chính Sacombank quý I/2025, đạt 56.408 tỷ đồng, giảm 20,2% so với quý IV/2024 (70.655 tỷ đồng), nhưng vẫn cao hơn 38.8% so với cùng kỳ năm ngoái (40.647 tỷ đồng).
Cổ phiếu STB của Sacombank cũng nhận được sự chú ý của nhà đầu tư trong nhiều phiên giao dịch gần đây
Vốn chủ sở hữu: tăng từ 47.909 tỷ đồng (quý I/2024) lên 57.862 tỷ đồng (quý IV/2025), tương đương mức tăng 20,8%, chủ yếu nhờ vào lợi nhuận giữ lại và tăng trưởng nội lực. Đặc biệt, lợi nhuận chưa phân phối tăng mạnh từ 22.496 tỷ đồng lên 31.327 tỷ đồng trong vòng một năm, phản ánh khả năng sinh lời bền vững và việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, củng cố nguồn lực tài chính cho phát triển lâu dài của ngân hàng.
Cơ cấu nguồn vốn lành mạnh, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tăng đều cùng với sự gia tăng tiền gửi khách hàng cho thấy Sacombank đang duy trì đà tăng trưởng bền vững. Đồng thời, có dư địa lớn để hỗ trợ cho hoạt động tín dụng và đầu tư trong các quý tiếp theo.
>>> Tìm hiểu thêm: Phân tích sâu báo cáo tài chính ABBANK: Chất lượng tín dụng đang cải thiện?
Phân tích chất lượng tín dụng
Chất lượng tín dụng là yếu tố cốt lõi phản ánh hiệu quả hoạt động và mức độ an toàn trong chiến lược tăng trưởng của ngân hàng. Báo cáo tài chính Sacombank trong quý 1/2025, ngân hàng ghi nhận những chuyển biến tích cực cả về dư nợ cho vay lẫn chính sách quản trị rủi ro tín dụng.
Dư nợ cho vay
Tính đến ngày 31/03/2025, dư nợ cho vay khách hàng thể hiện trong báo cáo tài chính Sacombank đạt 553.761 tỷ đồng, tăng 12,5% so với đầu năm 2024 (492.140 tỷ đồng). Đây là mức tăng trưởng đáng kể, cho thấy Sacombank đang mở rộng tín dụng tích cực để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Cấu trúc dư nợ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất – thương mại – dịch vụ, phù hợp với định hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch và xu hướng phát triển bền vững. Việc tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát rủi ro được coi là điểm sáng trong hoạt động cốt lõi của ngân hàng.
Nợ xấu
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank được kiểm soát ở mức 2,08%, giảm nhẹ so với đầu năm, cho thấy chất lượng tín dụng được duy trì ổn định trong bối cảnh ngân hàng mở rộng dư nợ. Các giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động đều tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, góp phần củng cố uy tín và năng lực tài chính của Sacombank trong môi trường cạnh tranh và nhiều rủi ro hiện nay.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính Sacombank đã xử lý thêm 76.695 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng theo Đề án, giảm tỷ trọng mục này trong tổng tài sản xuống còn 2,4%. Đáng chú ý, ngân hàng đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc Đề án và trích lập dự phòng 100% cho toàn bộ danh mục nợ tồn đọng chưa xử lý.
Trong các quý tới, việc duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (theo ước tính các kỳ trước) sẽ là yếu tố then chốt giúp Sacombank giữ vững uy tín và năng lực tài chính, nhất là khi nhiều tổ chức tín dụng khác đang đối mặt với áp lực suy giảm chất lượng tín dụng.
>>> Xem ngay: Báo cáo tài chính VietinBank: Toàn cảnh sức khỏe tài chính của CTG
Các chỉ số tài chính quan trọng
Trong quý 1/2025, báo cáo tài chính Sacombank tiếp tục khẳng định ngân hàng duy trì nền tảng tài chính lành mạnh và hiệu quả vận hành ổn định, thể hiện qua một số chỉ tiêu nổi bật:
P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận): ở mức 6,64 lần tại cuối quý 1/2025, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình ngành ngân hàng (thường dao động quanh 8–10 lần), cho thấy cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp so với khả năng sinh lợi hiện tại.
Sacombank phát hành đa hạng các loại hình thẻ tín dụng
P/B (Hệ số giá trên giá trị sổ sách): duy trì ở mức 1,25 lần, phản ánh mức định giá hợp lý và vẫn còn dư địa tăng trong bối cảnh Sacombank cải thiện lợi nhuận và chất lượng tài sản.
ROA (Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản): ROA theo báo cáo tài chính Sacombank đạt 1,5%, tăng đáng kể so với mức 1,23% cùng kỳ năm trước, phản ánh khả năng tạo lợi nhuận tốt hơn từ tài sản hiện hữu.
ROE (Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu): tăng lên 20,56%, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu được cải thiện rõ rệt so với mức 17,93% của cùng kỳ năm trước.
CAR (Tỷ lệ an toàn vốn): duy trì ở mức 10,14%, cao hơn yêu cầu tối thiểu 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khẳng định tiềm lực vốn vững vàng.
CIR (Tỷ lệ chi phí/thu nhập): trong báo cáo tài chính Sacombank quý I/2025, CIR cải thiện còn 48,54%, giảm từ 49,59% cùng kỳ, phản ánh năng lực kiểm soát chi phí ngày càng hiệu quả trong quá trình vận hành.
CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn): CASA tăng 9,3%, trong khi huy động từ thị trường 1 chiếm đến 85,6% tổng nguồn vốn, khẳng định năng lực huy động vốn giá rẻ của Sacombank. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng kiểm soát tốt chi phí vốn (COF), duy trì NIM ổn định ở mức 3,71%, và tăng cường sức cạnh tranh trong môi trường lãi suất biến động.
Mục tiêu và chiến lược phát triển
Tại đại hội cổ đông ngày 25/4/2025, bên cạnh chia sẻ về báo cáo tài chính Sacombank, ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực với lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 14.650 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm trước. Đây cũng là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi ngân hàng lần đầu tiên sau 9 năm lên kế hoạch chia cổ tức, mở ra cơ hội tăng vốn và thúc đẩy chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn.
Các định hướng chiến lược trọng tâm bao gồm:
Chuyển đổi số toàn diện: Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển ngân hàng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn nhằm cá nhân hóa dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Mở rộng hiện diện thị trường: Tăng cường mạng lưới tại các khu vực kinh tế trọng điểm trong nước và tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế tiềm năng.
Phát triển sản phẩm – dịch vụ: Đa dạng hóa danh mục sản phẩm tài chính, tập trung vào ngân hàng số, tài chính tiêu dùng, và các giải pháp thanh toán hiện đại.
Tăng cường quản trị rủi ro: Củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II/III và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý, đảm bảo tăng trưởng đi kèm an toàn hệ thống.
Như vậy, báo cáo tài chính Sacombank Quý I/2025 cho thấy ngân hàng duy trì đà tăng trưởng ổn định với kết quả kinh doanh tích cực, góp phần đưa cổ phiếu STB trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong tháng 5/2025. Đặc biệt, kết phiên ngày 21/5/2025, giá cổ phiếu STB đạt mức cao kỷ lục 41.800 đồng, cùng khối lượng giao dịch sôi động hơn 39 triệu cổ phiếu, thể hiện kỳ vọng mạnh mẽ vào tiềm năng phát triển của ngân hàng. Quý nhà đầu tư cần tư vấn chi tiết vui lòng mở tài khoản tại Chứng khoán KIS hoặc truy cập stockkisvn.vn để tìm hiểu thêm.