Báo cáo tài chính ACB: Phân tích kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính quan trọng

Năm 2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã có nhiều điểm sáng về tăng trưởng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Cùng chứng khoán KIS phân tích chi tiết báo cáo tài chính ACB để có cái nhìn toàn diện về sức khỏe tài chính và cơ hội đầu tư mã cổ phiếu ngân hàng này trong năm 2025.

Giới thiệu về Ngân hàng Á Châu (ACB)

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) là một trong những định chế tài chính uy tín hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Từ khi thành lập vào năm 1993, ACB đã không ngừng mở rộng quy mô và phát triển mạng lưới với khoảng 400 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc.

Về chiến lược và định hướng phát triển, ACB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Để phục vụ hàng triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với hệ sinh thái sản phẩm đa dạng và dịch vụ tài chính chất lượng cao, ACB tập trung vào:​

  • Phát triển ngân hàng số thông qua ứng dụng ACB ONE, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm trực tuyến và nhiều tiện ích khác.
  • Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tài chính, bao gồm thẻ tín dụng, vay vốn, bảo hiểm và các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp
  • Tăng cường trải nghiệm khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

báo cáo tài chính ACBHình ảnh logo biểu tượng của ngân hàng ACB

Phân tích báo cáo tài chính ACB năm 2024

Năm 2024 là năm rất thành công của ngân hàng ACB. Bên cạnh hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận, cổ phiếu ACB đã tạo đỉnh và nhận được sự tín nhiệm lớn của các nhà đầu tư. Dưới đây là những phân tích chi tiết về báo cáo tài chính ACB.

Tổng quan kết quả kinh doanh 2022 – 2024 

Giai đoạn 2021–2024 ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng ACB, bất chấp những biến động của môi trường kinh tế vĩ mô. Cả doanh thu và lợi nhuận từ báo cáo tài chính ngân hàng ACB đều ghi nhận xu hướng tăng qua các năm, phản ánh hiệu quả trong chiến lược mở rộng tín dụng, kiểm soát rủi ro và nâng cao thu nhập ngoài lãi.

Doanh thu trên báo cáo tài chính ACB đã tăng từ 23.564 tỷ đồng năm 2021 lên 28.790 tỷ đồng năm 2022, tiếp tục đạt 32.746 tỷ đồng trong năm 2023, và đạt 33.515 tỷ đồng trong năm 2024. Tương ứng với tốc độ tăng trưởng lần lượt là khoảng 22% năm 2022, 13.7% năm 2023 và 2.3% trong năm 2024. Mặc dù đà tăng năm 2024 có phần chững lại, kết quả này vẫn cho thấy ACB giữ vững được quy mô hoạt động và doanh thu ổn định, trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác chịu áp lực do lãi suất biến động và nhu cầu tín dụng suy giảm.

Về lợi nhuận sau thuế trong báo cáo tài chính ACB cũng thể hiện sự cải thiện rõ rệt qua từng năm. Lợi nhuận năm 2021 đạt 9.602 tỷ đồng, tăng lên 13.688 tỷ đồng năm 2022, tiếp tục nâng lên 16.045 tỷ đồng năm 2023 và đạt 16.790 tỷ đồng năm 2024. Với mức tăng trưởng tương ứng khoảng 42.5% năm 2022, 17.2% năm 2023 và 4.6% năm 2024.

Biên lợi nhuận vẫn được duy trì ở mức cao, cho thấy ngân hàng đã kiểm soát tốt chi phí hoạt động, trích lập dự phòng và duy trì được biên lãi ròng (NIM) trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất gia tăng. Như vậy, trong 4 năm gần nhất, ACB đã cho thấy khả năng tăng trưởng bền vững, quản trị rủi ro tốt và giữ vững hiệu quả hoạt động trong ngành ngân hàng.

báo cáo tài chính ACBHình ảnh phòng giao dịch của ngân hàng ACB

Tình hình tài sản và nguồn vốn

Năm Tài sản (tỷ VND) Tăng trưởng tài sản (%) Vốn & các quỹ (tỷ VND) Cho vay khách hàng Tiền gửi NHNN & TCTD
2021 527,769.9 44,900.9 356,051.0 379,920.7
2022 607,875.2 15.18% 58,438.7 408,856.5 413,952.8
2023 718,794.6 18.25% 70,956.0 482,234.9 482,702.7
2024 864,005.7 20.20% 83,461.7 573,946.7 537,304.6

Theo báo cáo tài chính ACB, tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, từ mức 527.770 tỷ đồng năm 2021 lên đến 864.006 tỷ đồng vào năm 2024. Tốc độ tăng trưởng tài sản không những ổn định mà còn có xu hướng tăng dần qua từng năm: 15,18% năm 2022, 18,25% năm 2023 và đạt mức 20,20% trong năm 2024. Qua đó cho thấy doanh nghiệp đang mở rộng quy mô hoạt động một cách mạnh mẽ và bền vững.

Xét về cơ cấu tài sản, hai hạng mục chính là cho vay khách hàng và tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) & tổ chức tín dụng khác đều tăng trưởng rõ rệt. Dư nợ cho vay khách hàng theo báo cáo tài chính ACB đã tăng từ 356.051 tỷ đồng năm 2021 lên 573.947 tỷ đồng năm 2024, tương đương mức tăng gần 61,2%. Đồng thời, khoản mục tiền gửi cũng tăng từ 379.921 tỷ đồng lên 537.305 tỷ đồng trong cùng kỳ. Phản ánh sự tăng trưởng đồng đều cả về hoạt động tín dụng lẫn quản trị thanh khoản, như vậy doanh nghiệp duy trì được tính ổn định và linh hoạt trong cấu trúc tài sản.

Về vốn chủ sở hữu (bao gồm các quỹ) theo như trên báo cáo tài chính ACB tăng trưởng ổn định từ 44.901 tỷ đồng năm 2021 lên 83.462 tỷ đồng vào năm 2024. Dù tốc độ tăng vốn chủ sở hữu chậm hơn so với tổng tài sản, nền tảng tài chính của ngân hàng vẫn được củng cố, phần lớn nhờ vào chính sách giữ lại lợi nhuận và khả năng sinh lời tích cực.

báo cáo tài chính ACBACB là một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam

Tính đến năm 2024, vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 9,7% tổng tài sản – cho thấy ACB đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao, phù hợp với thông lệ ngành tài chính – ngân hàng nhằm tối ưu hóa hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE). Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng đặt ra yêu cầu cao về năng lực quản trị rủi ro và đảm bảo khả năng thanh toán trong môi trường thị trường biến động.

Tổng thể, tình hình tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn 2021–2024 cho thấy bức tranh tài chính tích cực, với xu hướng mở rộng ổn định, cơ cấu tài sản được phân bổ hiệu quả và nền tảng vốn chủ sở hữu được củng cố dần theo thời gian.

>>> Xem thêm: Báo cáo tài chính VietinBank: Toàn cảnh sức khỏe tài chính của CTG

Định giá cổ phiếu

Trong giai đoạn 2021–2024, các chỉ số định giá của ACB phản ánh cổ phiếu đang được giao dịch ở mức khá hợp lý, thậm chí có thời điểm bị đánh giá thấp so với tiềm năng sinh lời. Cụ thể, báo cáo tài chính ACB cho thấy hệ số P/E giảm mạnh từ 9.71 năm 2021 xuống còn 5.4 năm 2022, sau đó duy trì ở mức thấp (5.79 năm 2023 và 6.86 năm 2024). Có thể thấy thị trường có phần thận trọng với kỳ vọng tăng trưởng của ngân hàng, hoặc ACB đang bị định giá thấp so với lợi nhuận thực tế.

Tuy nhiên, hệ số P/S tính dựa trên báo cáo tài chính ACB tăng dần từ 1,48 năm 2022 lên 1,93 năm 2024, cho thấy thị trường ngày càng kỳ vọng tích cực hơn vào tăng trưởng doanh thu của ngân hàng. Trong khi đó, hệ số P/B – sau khi giảm mạnh từ mức 2,08 năm 2021 xuống 1,27 năm 2022 – đã phục hồi nhẹ lên 1,38 vào năm 2024, phản ánh sự ổn định trở lại trong định giá giá trị sổ sách của ACB. Về lợi nhuận, EPS tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2021–2023 nhưng bắt đầu giảm nhẹ trong năm 2024, cho thấy áp lực về hiệu quả sinh lời có dấu hiệu xuất hiện.

báo cáo tài chính ACBÔng Trần Hùng Huy – Chủ tịch ngân hàng ACB

Khả năng sinh lợi 

Từ báo cáo tài chính ACB, có thể thấy ngân hàng vẫn duy trì được khả năng sinh lợi tốt trong suốt giai đoạn 2021–2024. Tỷ lệ lãi ròng ổn định quanh mức 25–30%, là mức rất tích cực đối với một ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, chỉ số YOEA có sự giảm đáng kể vào năm 2024, từ 8.22% năm 2023 xuống còn 6.67%, cho thấy hiệu suất sinh lời từ tài sản có sinh lợi đang bị ảnh hưởng. Đồng thời, biên lãi ròng (NIM) cũng có xu hướng giảm, từ mức đỉnh 4.35% năm 2022 xuống còn 3.64% năm 2024. Có thể một phần đến từ chi phí vốn (COF) biến động mạnh, đặc biệt tăng vọt lên 4.76% trong năm 2023 rồi giảm mạnh xuống 3.34% năm 2024, phản ánh sự nhạy cảm của ngân hàng với lãi suất huy động.

Sức mạnh tài chính

Xét về sức mạnh tài chính, ACB đang cho thấy một số dấu hiệu cần theo dõi. Tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản (LAR) từ báo cáo tài chính ACB thể hiện ngân hàng đang duy trì ổn định quanh mức 67%, cho thấy ngân hàng vẫn kiểm soát tốt danh mục cho vay so với tổng tài sản. Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng liên tục qua các năm, từ 95.26% năm 2021 lên tới 108.07% năm 2024. Việc cho vay vượt quá mức huy động cho thấy ngân hàng đang sử dụng thêm các nguồn vốn khác ngoài tiền gửi, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Dự phòng rủi ro tín dụng (CLR) và tỷ lệ an toàn vốn (CTA) có xu hướng giảm dần, phản ánh việc ACB đang sử dụng nhiều hơn vốn chủ sở hữu cho hoạt động tín dụng, đồng thời có thể làm giảm “vùng đệm an toàn” trước các biến động bất ngờ.

Hiệu quả quản lý

Nhìn chung, hiệu quả quản lý của ACB vẫn ở mức cao. Từ báo cáo tài chính ACB, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) tăng từ 1.98% năm 2021 lên 2.42% năm 2023, trước khi giảm nhẹ xuống 2.12% năm 2024. Trong khi đó, ROE – chỉ số phản ánh hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu – đạt đỉnh 26.49% năm 2022 và giảm về 21.75% vào năm 2024. Mặc dù giảm nhưng đây vẫn là mức cao so với mặt bằng chung ngành ngân hàng. Đặc biệt, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) tiếp tục được cải thiện, từ 40.31% năm 2022 xuống chỉ còn 32.53% trong năm 2024, cho thấy ngân hàng đang kiểm soát rất tốt chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

báo cáo tài chính ACBACB liên tục mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc

Khả năng hoạt động và kiểm soát rủi ro

Tình hình nợ xấu và dự phòng tín dụng là những điểm đáng chú ý trong bức tranh về báo cáo tài chính ACB. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng từ mức rất thấp 0.74% năm 2022 lên 1.49% năm 2024. Đây là mức vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng xu hướng tăng này đòi hỏi ACB cần có các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng hiệu quả hơn. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLRNPL) đạt 77.92% trong năm 2024 – tuy chưa vượt mức 100% nhưng cho thấy ACB đã có sự chủ động trong việc trích lập dự phòng. Tỷ lệ dự phòng PCL vẫn khá thấp, chỉ 0.3% năm 2024, phản ánh chính sách thận trọng nhưng cần xem xét tăng cường trong bối cảnh nợ xấu đang có dấu hiệu leo thang.

>>> Tìm hiểu ngay: Phân tích báo cáo tài chính BIDV: Điểm nhấn quan trọng và dự báo tăng trưởng

So sánh báo cáo tài chính ACB với các ngân hàng khác

Cùng so sánh kết quả kinh doanh và các chỉ số qua báo cáo tài chính ngân hàng ACB, hai ngân hàng thương mại cổ phần tiêu biểu là Techcombank (TCB) và HDBank (HDB), từ đó đánh giá hiệu quả hoạt động và tiềm năng tăng trưởng.

So sánh kết quả kinh doanh 

Chỉ tiêu ACB TCB HDBank
Tổng tài sản 2024 (tỷ đồng) 864,005.7 978,798.5 697,280.8
Doanh thu 2024 (tỷ đồng) 33,514.76 46,990.4 34,032.18
Lợi nhuận sau thuế 2024 (tỷ đồng) 16,789.77 21,760.1 13,247.65
Tăng trưởng LN sau thuế 2024 vs 2021 +74.8% +18.2% +105.3%
Tăng trưởng LN sau thuế 2024 vs 2022 +22.7% +6.5% +51.1%
Tăng trưởng LN sau thuế 2024 vs 2023 +4.6% +19.6% +28.2%

Theo báo cáo tài chính ACB đạt doanh thu 33,514.76 tỷ đồng trong năm 2024, gần tương đương HDBank (34,032.18 tỷ đồng) nhưng chỉ bằng khoảng 71% so với TCB (46,990.4 tỷ đồng). Mặc dù quy mô doanh thu nhỏ hơn, ACB vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh ổn định với lợi nhuận sau thuế đạt 16,789.8 tỷ đồng, cao hơn HDBank (13,247.6 tỷ đồng) nhưng thấp hơn TCB (21,760.1 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2021–2024, lợi nhuận ACB tăng trưởng 74.8%, tương đương tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 20.4%, cao hơn TCB (18.2%) và thấp hơn HDBank (105.3%). So với riêng năm 2023, lợi nhuận ACB tăng nhẹ 4.6%, trong khi TCB tăng 19.6% và HDBank tăng mạnh 28.2%.

báo cáo tài chính ACBĐại hội đồng cổ đông của ACB luôn được các cổ đông quan tâm

So sánh các chỉ số tài chính

Chỉ số (2024) ACB TCB HDBank
ROE (%) 21.75 15.61 25.79
ROA (%) 2.12 2.35 1.96
NIM (%) 3.64 4.28 5.44
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) (%) 1.49 1.12 1.93
LLRNPL (%) (bao phủ nợ xấu) 77.92 113.94 68.71
CIR (%) (chi phí/thu nhập) 32.53 32.71 35.2
P/E 6.86 8.53 5.7
EPS (VNĐ) 3,758.91 3,046.48 3,651.78
ELR (% Vốn CSH/Cho vay KH) 14.37 23.02 12.31
LDR (% Cho vay KH/Tổng tiền gửi) 108.07 118.44 101.14

Vào năm 2024, ACB có ROE ổn định ở mức 21.75%, cao hơn TCB (15.61%) nhưng thấp hơn HDBank (25.79%), cho thấy ngân hàng này có hiệu quả sử dụng vốn tốt, mặc dù không mạnh mẽ bằng HDBank. Về khả năng sinh lời, ACB có NIM là 3.64%, thấp hơn đáng kể so với TCB (4.28%) và HDBank (5.44%), cho thấy ngân hàng này có biên lợi nhuận thấp hơn trong hoạt động cho vay. ACB cũng duy trì CIR thấp nhất (32.53%), chỉ ra hiệu quả trong quản lý chi phí, so với TCB (32.71%) và HDBank (35.2%). Mặc dù theo báo cáo tài chính ACB có tỷ lệ nợ xấu ở mức 1.49%, cao hơn TCB (1.12%) nhưng thấp hơn HDBank (1.93%), ngân hàng này vẫn kiểm soát rủi ro tín dụng khá tốt.

Qua phân tích báo cáo tài chính ACB, có thể thấy đây là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động khá hiệu quả. ACB sẽ là một cổ phiếu đáng chú ý đối với các nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt là những ai ưu tiên sự ổn định và hiệu quả trong danh mục đầu tư. Nếu Nhà đầu tư cần tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ Chứng khoán KIS qua Hotline (028) 3914 8585 hoặc thông qua website stockkisvn.vn.

to top